Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tỷ lệ mắc Covid-19 của Malaysia thuộc hàng cao nhất thế giới
Lê Quân - 30/07/2021 21:29
 
Đợt bùng phát Covid-19 lần này ở Malaysia đã trở thành một trong những đợt bùng dịch tồi tệ nhất trên thế giới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 14/8/2020. Nguồn: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 14/8/2020. Nguồn: THX/TTXVN

Theo dữ liệu được tổng hợp bởi nền tảng trực tuyến Our World in Data trong 7 ngày gần đây, Malaysia đã ghi nhận 483,72 ca nhiễm Covid-19 trên một triệu dân vào ngày 28/7, đứng thứ 8 trên toàn cầu và đứng đầu ở châu Á.

Trong khi đó, số ca tử vong được ghi nhận hàng ngày liên quan đến Covid-19 ở Malaysia cũng lên tới khoảng 4,90 ca trên 1 triệu dân vào hôm 27/7. Đây là mức cao thứ 19 trên toàn cầu và cao thứ 3 ở châu Á.

Malaysia đã cố gắng giữ cho số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp trong phần lớn thời gian của năm 2020, nhưng đang phải vật lộn với làn sóng dịch bệnh gia tăng lần này, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế chống dịch và áp dụng tình trạng khẩn cấp.

Theo đài CNBC, các nhà phân tích chính trị cho rằng cho chính phủ Malaysia ứng phó Covid-19 không đúng cách khi dịch bệnh diễn biến xấu đi.

Ông Joshua Kurlantzick, thành viên cấp cao về Đông Nam Á của Tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đánh giá: "Phản ứng (chống dịch Covid-19) của Malaysia đang bị cản trở bởi sự điều hành hỗn loạn và đấu đá chính trị dai dẳng".

Malaysia rơi vào bất ổn chính trị khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad bất ngờ từ chức vào tháng 2 năm ngoái, mở đường cho ông Muhyiddin Yassin thành lập một chính phủ bằng cách tập hợp một liên minh mong manh.

Các đối thủ chính trị từ lâu đã thách thức tuyên bố của ông Muhyiddin Yassin về sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội 222 ghế của nước này. Những lời kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức, đến từ cả các đồng minh của ông, ngày càng nhiều sau khi nhà vua Malaysia hôm 29/7 có lời chỉ trích hiếm hoi về việc chính phủ nước này xử lý tình trạng khẩn cấp.

Nhà vua trước đó đã đồng ý với đề xuất của Thủ tướng Muhyiddin về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp từ tháng 1 đến ngày 1/8 nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan tại nước này.

Nhiều nhà phân tích coi động thái trên là nỗ lực của Thủ tướng Muhyiddin, người có khả năng sẽ duy trì vị thế chính trị của mình, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội tạm ngừng hoạt động do tình trạng khẩn cấp và không thể tổ chức bầu cử.

Khi Quốc hội triệu tập lại trong tuần này, chính phủ Malaysia đã khiến cả nước ngạc nhiên với thông báo quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 21/7. Nhà vua Malaysia cho rằng việc chính phủ đơn phương chấm dứt tình trạng khẩn cấp là không tuân theo quy định hiến pháp.

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 3/2020, Thủ tướng Muhyiddin đã tìm cách né tránh những cuộc bỏ phiếu của Quốc hội mà các đối thủ chính trị có thể sử dụng để tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại sự lãnh đạo của ông. Trước đó, Quốc hội Malaysia chưa từng bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Bất chấp những căng thẳng chính trị, các nhà chức trách Malaysia vẫn đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng Covid-19 trong những tuần gần đây. Hơn 18% trong số 32 triệu dân tại nước này đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, theo dữ liệu của Our World in Data.

Các nhà kinh tế từ Ngân hàng Anh Barclays ước tính rằng Malaysia - cùng với Singapore và Hàn Quốc - sẽ nằm trong số các quốc gia châu Á đạt mức tiêm phòng Covid-19 "cần thiết" trong năm nay.

Chính phủ Malaysia cho biết họ hướng đến tiêm chủng cho hầu hết dân số trưởng thành vào cuối năm nay.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng sự bùng phát Covid-19 ngày càng tồi tệ cùng với các biện pháp giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Malaysia.

Tháng trước, Ngân hàng Barclays đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Malaysia từ 5,5% xuống 5%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng tăng trưởng 6 - 7,5% mà Ngân hàng Trung ương Malaysia dự báo trước đó.

Malaysia gánh thêm thâm hụt tài khóa do chống dịch Covid-19
Thâm hụt tài khóa của Malaysia ước tính tăng lên 4% GDP trong năm 2020 do nước này áp dụng gói kích thích 58 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trước cú...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư