Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng chủ lực nằm trong tay doanh nghiệp FDI
Thế Hải - 02/07/2022 15:31
 
Trong 6 tháng năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khối các ngành có doanh nghiệp FDI.
tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
6 tháng 2022, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn FDI.

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 6 tháng đầu năm 2022 vừa được Bộ Công thương công bố cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 28,4%).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.

Tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực trong 6 tháng qua vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối các ngành có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngành hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất là: Điện thoại và linh kiện đạt 28,58 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 21,3 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt và may mặc đạt 18,65 tỷ USD, tăng 21,6%; giày dép các loại đạt 11,9 tỷ USD, tăng 14,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD, tăng 3,4%; Sắt thép các loại đạt 5,1 tỷ USD, tăng 13,7%.

Ấn tượng trong hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 là sự tăng tốc của nhóm nông, lâm, thuỷ sản, đạt 15,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 13,5%), chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có: thủy sản tăng 39,6%; cà phê tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về kim ngạch xuất khẩu do giá xuất khẩu cà phê tăng cao; hạt tiêu mặc dù giảm 19,1% về lượng nhưng do giá xuất khẩu tăng nên tăng 14% về kim ngạch xuất khẩu; sắn và các sảm phẩm về sắn tăng 13% về lượng và tăng 28% về kim ngạch xuất khẩu.

Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như: rau quả giảm 17,2%; nhân điều giảm 8%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 159 tỷ USD, tăng 17% so với quý cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 31,3%) và chiếm 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

"Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ngoài nhóm hàng chủ lực: điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép tăng 2 con số, thì nhóm hnfg phân bón, than đá...cũng tăng cao do giá tăng và nhu cầu tăng đột biến", Bộ Công thương chỉ rõ.

Đơn cử, xuất khẩu phân bón các loại tăng 187% (do giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến); hóa chất tăng 59%; máy ảnh, máy quay phim là linh kiện tăng 52%; sản phẩm từ sắt thép tăng 27%.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 6 tháng đạt 2,47 tỷ USD và tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 0,1%).

Qua nửa chặng đường của năm 2022, cả nước có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư