Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV: Chọn đại diện xứng đáng
Nguyên An - 24/03/2021 09:44
 
Sáng nay (24/3), Quốc hội khóa XIV bắt đầu kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ. Đây cũng là thời điểm giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhiệm kỳ tiếp theo đang được tiến hành.

Và câu hỏi làm sao chọn người xứng đáng đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất lại được đặt ra, canh cánh.


Những ngày gần đây, chuyện ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM không ứng cử ĐBQH khóa tới được nhiều cử tri dành sự quan tâm đặc biệt. Vì, nếu ông Nên có trong danh sách ứng cử, thì đó gần như là chuyện đương nhiên, bởi nhiệm kỳ trước, 100% ủy viên Bộ Chính trị đều được giới thiệu ra ứng cử.

Thông tin từ nhiều nguồn cho biết, ông Nguyễn Văn Nên có nguyện vọng không tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV là để dành thời gian, tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo công việc của TP.HCM.

Phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XV của các cơ quan Trung ương vừa qua, nhắc đến trường hợp ông Nên, một vị ủy viên Đoàn Chủ tịch đã sử dụng hai cụm từ “tình nguyện” và “hy sinh”. 

“Ông Nên tình nguyện không ứng cử để làm tròn trọng trách của một Bí thư Thành ủy. Bí thư Thành ủy lắm việc lắm, tôi rất ủng hộ các vị dám hy sinh không tham gia Quốc hội để làm tốt nhiệm vụ của mình”, vị này nói.

Bên cạnh ý kiến trên, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai còn có 24 phát biểu khác (theo Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, đây là hội nghị Đoàn Chủ tịch có nhiều ý kiến phát biểu nhất từ đầu nhiệm kỳ) chứa đựng nhiều băn khoăn, trăn trở về danh sách sơ bộ các ứng viên được đưa ra hiệp thương. Có điều “nghịch lý” là, những quan ngại về chất lượng ứng cử viên lại nằm ở chính khối nhân sự được cho là đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XIV, không chỉ một lần câu hỏi về trách nhiệm chọn người ra ứng cử ĐBQH đã được đặt ra. Khi mà số đại biểu phải rời nghị trường vì những vi phạm khác nhau (thậm chí có người dính vòng lao lý) nhiều nhất trong các nhiệm kỳ Quốc hội, thì sự cẩn trọng trong việc chọn ứng viên chắc chắn không thừa. Và dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV cũng theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, cũng có nghĩa là giảm số lượng các vị kiêm nhiệm, hay nói cách khác là đại biểu “nhiều vai” - đương nhiên nhận được sự tán thành của cả cử tri và các vị ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - những người có quyền quyết định danh sách các ứng viên ở các cơ quan Trung ương.

Nhưng không chỉ một, mà nhiều ý kiến từ các vị ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận xét rằng, trong danh sách 140 ứng viên được giới thiệu làm ĐBQH chuyên trách khóa tới, không thấy các vị có tên tuổi trong giới trí thức; ngược lại, qua xem hồ sơ, thì nhiều người chưa có kinh nghiệm làm đại biểu.

Cũng cần phải nói thêm rằng, những nhận xét nêu trên đều được đưa ra từ những bậc cao niên, đã nhiều lần tham gia hiệp thương lựa chọn người ứng cử ĐBQH.

Phải khẳng định, để được đưa vào danh sách sơ bộ, các ứng viên đều đã phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo các hướng dẫn, quy trình về công tác cán bộ và đều được 100% cử tri nơi công tác tín nhiệm.

Nhưng tuổi tác, bằng cấp, chức vụ, hay gia đình có truyền thống... đều chưa đủ để có thể làm tốt nhiệm vụ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bởi có trí tuệ, mà chưa có bản lĩnh, hoặc ngược lại, đều không thể làm tốt trọng trách tại Quốc hội.

Giảm đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu “hai vai”, tức là vừa có quyền giám sát lại vừa là người chịu sự giám sát, vừa xây dựng chính sách lại vừa thực thi chính sách... tất nhiên là xu thế tiến bộ. Nhưng đây chắc chắn không phải là lý do để có thể đưa vào danh sách những ứng viên còn có vấn đề khiến dư luận, cử tri và cả những người có trách nhiệm còn băn khoăn.

Vẫn còn thời gian để những băn khoăn nói trên được giải đáp, để những người được bầu vào Quốc hội khóa mới thực sự đủ tâm, đủ tầm, đủ sức gánh vác trọng trách mà nhân dân giao phó, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Để 5 năm nữa, khi tổng kết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV báo cáo với nhân dân cả nước rằng: tất cả đại biểu đều xứng đáng với sự tin cậy của cử tri.

Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ 30 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV
Cho đến chiều 17/3, Ủy ban bầu cử Thành phố Hà Nội cũng như Mặt trận Tổ quốc thành phố đều chưa công bố danh sách các ứng cử viên Đại biểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư