Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ứng phó với thiếu điện
Thanh Hương - 05/04/2013 07:30
 
Một số dự án nguồn điện vào chậm, nước về hồ thủy điện tại khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thấp hơn so với trung bình nhiều năm, hạn hán có thể diễn ra gay gắt hơn tại nhiều nơi… đang khiến vấn đề cung cấp điện tăng nhiệt.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), trong tháng 3 vừa qua, lượng điện tiêu thụ vào ngày cao điểm nhất đã lên tới 394 triệu kWh. Mặc dù nhu cầu điện cao này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng so với mức dự báo tiêu thụ điện bình quân 360 triệu kWh/ngày trong tháng 3, thì đây là mức tăng khá mạnh.

Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV - Bộ Công thương) cho hay, trong 3 tháng đầu năm, lượng điện sản xuất của toàn hệ thống đạt 29,98 tỷ kWh, tăng 10,42% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng tháng 3, sản lượng điện sản xuất đạt 11,2 tỷ kWh, tăng 12,8% so với tháng 3/2012. Vẫn theo ông Cường, trong 3 tháng cao điểm của mùa khô, từ tháng 4 đến hết tháng 6, sản xuất điện toàn hệ thống được dự báo ở mức 34,3 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung điện sẽ được cải thiện nếu các dự án nguồn như Thủy điện Nậm Na sớm đưa vào khai thác. Ảnh: Đức Thanh

Trước diễn biến thực tế nhiều nguồn điện vào chậm, nhất là khu vực miền Nam hay mức nước và lượng nước về của một số hồ thủy điện, nhất là khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thấp hơn nhiều so với hàng năm, thời gian tới, tình hình khô hạn, thiếu nước có thể còn gay gắt hơn. Tại các tỉnh Tây Nguyên, khô hạn có thể kéo dài tới hết tháng 4/2013; các tỉnh Trung Bộ có thể kéo dài đến tháng 7 và tháng 8/2013. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo mới nhất về các giải pháp đảm bảo cấp điện cho mùa khô 2013. Theo đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu ngành điện chuẩn bị thêm phương án ứng phó với các diễn biến bất thường có thể xảy ra, như nắng nóng kéo dài trong các tháng mùa hè, làm nhu cầu điện tăng đột biến. Hoặc các trường hợp sự cố lớn trong các nhà máy điện, trong lưới điện 500 - 200 kV, nước về các hồ thủy điện giảm nhanh hơn dự kiến.

Năm 2012, mức tiêu thụ điện ngày cao điểm nhất đạt 376,7 triệu kWh điện. Còn năm 2013, ngành điện cũng đưa ra dự báo ngày tiêu thụ điện nhiều nhất sẽ lên tới mức 423 triệu kWh, tức là tăng tới trên 60 triệu kWh so với ngày cao điểm nhất của năm 2012.

Để đảm bảo cấp điện cho mùa khô 2013, Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cân đối chặt chẽ nhu cầu về phân đạm với sản xuất để có thể cân đối giảm một phần lượng khí cấp cho các nhà máy đạm Phú Mỹ, Cà Mau, qua đó, tăng thêm cho các nhà máy điện chạy khí tại Nhơn Trạch và Cà Mau.

Được biết, PVN mới đây đã quyết định điều chuyển khí thấp áp cấp cho các hộ công nghiệp sang bổ sung cho Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa trong quý II/2013 với mức 0,2 - 0,7 triệu m3/ngày, để tăng lượng điện chạy từ khí cho hệ thống điện.

Với kế hoạch huy động phát điện chạy dầu ở mức 1,113 tỷ kWh điện trong mùa khô này, ông Cường cũng cho hay, đây là kế hoạch được lập dựa trên các thông số liên quan đến việc vận hành hệ thống điện về nguồn điện, thủy văn. Còn việc huy động thực tế bao nhiêu điện chạy dầu với giá thành cao sẽ phải dựa vào thực tế. “Chưa cần huy động nguồn điện đắt tiền, thì sẽ chưa chạy để không gây áp lực lên giá thành sản xuất điện, cũng như vấn đề giá điện”, ông Cường nói và cho biết, trong tháng 4 sẽ không có chuyện tăng giá điện.

Liên quan đến việc huy động tối đa các nguồn điện, các nguồn điện chạy dầu và các nguồn điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện để đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô, Chính phủ có lưu ý trường hợp cần huy động nguồn điện chạy dầu, ưu tiên huy động Nhà máy Điện Hiệp Phước nằm tại trung tâm phụ tải khu vực phía Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Nhà máy Điện Hiệp Phước (công suất 375 MW sử dụng dầu FO) cho hay, họ đã biết thông tin này và sẽ chờ xem có được huy động điện chạy dầu trong trường hợp hệ thống phải huy động tới nguồn điện đắt tiền này ở mùa khô 2013 hay không. “Kể từ khi ngừng máy vào tháng 10/2011 tới nay, Nhà máy Điện Hiệp Phước chỉ làm nhiệm vụ bảo dưỡng, chứ không phát điện lên lưới. Mùa khô năm 2012, Nhà máy cũng không phải tham gia bổ sung nguồn điện cho hệ thống”, đại diện trên cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư