Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến sửa đổi Hiến pháp
Nguyễn Lê - 09/04/2025 19:01
 
Sửa đổi Hiến pháp là nội dung hệ trọng được trình Quốc hội ngay đầu Kỳ họp thứ 9, sẽ khai mạc sáng 5/5 tới. Sau khi sửa Hiến pháp, sẽ tiến hành sắp xếp khoảng 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện.
.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên họp thứ 44 bắt đầu từ ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đặt lên bàn nghị sự 42 nội dung, trong đó có hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, cũng đồng thời được cho ý kiến.

Sửa đổi Hiến pháp là nội dung hệ trọng được trình Quốc hội ngay đầu Kỳ họp thứ 9, sẽ khai mạc sáng 5/5 tới. Sau khi sửa Hiến pháp, sẽ tiến hành sắp xếp khoảng 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Ở đợt 1 của phiên họp này (từ 14-17/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 cũng được đặt lên bàn nghị sự.

Các nội dung được cho ý kiến còn có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam, dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Về công tác lập pháp, các dự thảo luật được cho ý kiến gồm: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự...

Trong đợt 2 của Kỳ họp (từ 23 – 28/4) nội dung gồm có cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Trong đó có báo cáo về các nội dung: việc điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 để bố trí ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo và việc thực hiện các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với sắp xếp bộ máy, miễn giảm học phí; tình hình triển khai các khoản dự toán chưa phân bổ của ngân sách trung ương đầu năm đã được quy định tại Nghị quyết số 160/2024/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương sau sáp nhập tỉnh).

Báo cáo của Chính phủ về tài chính nhà nước năm 2023; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 (trong đó có nội dung kết quả huy động, sử dụng và thanh toán, quyết toán tổng thể nguồn lực chi cho phòng, chống dịch COVID-19 của giai đoạn 2020 - 2022). Chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách nhà nước, việc bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC), cũng được xem xét tại đợt này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét để trình Quốc hội quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Cùng đó, phiên họp còn có nội dung cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026. quyết định phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024. quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026.

Nội dung đợt hai còn có việc xem xét  một số dự thảo nghị quyết, về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án (theo đề xuất của Ban Chỉ đạo 1568); về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Các dự án luật được cho ý kiến gồm có dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trước ngày 20/9/2025
Theo Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trước ngày 30/5, Bộ Nội vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư