Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đó là cách nói giản dị, luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các Hội nghị Văn hóa toàn quốc những năm 1946, 1948 về vai trò của văn hóa...
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây và “trồng người” đều là vì lợi ích của quốc gia, vì lợi ích dân tộc
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây và “trồng người” đều là vì lợi ích của quốc gia, vì lợi ích dân tộc

Tròn 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), dưới ngọn cờ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam trong Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người tại khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24 tại Paris (năm 1987). Nội dung Nghị quyết có đoạn: “Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Ngày 24/11/1946, tại Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị. Người chỉ rõ, văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây cũng chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin.

Định hướng xây dựng một nền văn hóa mới

Khi trở thành lãnh tụ, Người đã định hướng xây dựng nền văn hóa mới cho nhân dân để cùng nhân dân kiên định chiến đấu vì mục tiêu không thể lay chuyển là độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn hóa Việt Nam kiệt xuất - vĩnh hằng trong trái tim dân tộc và nhân loại như thế.

Nhà sử học Trần Văn Giàu cho rằng, Hồ Chí Minh được sinh thành trong một gia đình, vùng quê “địa linh” giàu đậm tinh thần yêu nước, truyền thống văn hóa và chất nhân văn. Vùng quê đó đã sinh ra một nhân kiệt làm rạng danh đất nước.

Tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến khai mạc ngày 24/11/2021, sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành. Đặc biệt, Hội nghị sẽ có sự tham dự và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua. Hội nghị cũng là diễn đàn lắng nghe góp ý để khắc phục hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc… từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong suốt những năm tháng bôn ba nước ngoài, dù điều kiện kham khổ, thiếu thốn, nhưng chưa lúc nào, Người quên việc vừa làm, vừa học. Trên nền tảng văn hóa phương Đông vững vàng, sâu sắc, Người từng bước hấp thụ văn hóa nhân đạo và dân chủ của phương Tây. Chính truyền thống dân tộc tốt đẹp, vốn sống phong phú, vốn văn hóa rộng lớn đã dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin, đỉnh cao và kết tinh thành tựu văn hóa loài người, bổ sung những đặc trưng phù hợp với dân tộc mình.

Sự gặp gỡ với các nền văn hóa làm phong phú thêm văn hóa dân tộc vốn rất bền chặt, sâu sắc trong Hồ Chí Minh và cuộc đời, sự nghiệp của Người trở thành “tấm gương về nhân sinh quan và thế giới quan cao đẹp, làm sáng lên một chủ nghĩa nhân văn trùng với những ước mơ cổ truyền của dân tộc Việt Nam và các dân tộc, kết tinh những tư tưởng và tình cảm lớn của loài người”.

Phát huy vai trò và sức mạnh của văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ của văn hóa: văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do, có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Trên cơ sở này, hàng loạt chính sách, phong trào văn hóa do Người khởi xướng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng ở miền Nam.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự nghèo đói, dốt nát. Để cứu nguy cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Người nêu 6 vấn đề cấp bách, trong đó có nhiều công việc văn hóa, như “thanh toán” nạn dốt, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, đạo đức mới, đạo đức cách mạng, thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết.

Người đề nghị mở cuộc vận động Đời sống mới giáo dục nhân dân đạo đức mới, đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính. Để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, Người ban bố Sắc lệnh tự do tín ngưỡng và đã mời được nhiều nhân sĩ danh tiếng như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ. Người tin tưởng thượng thư, đại thần của triều đình Huế như các cụ Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe… vào những chức vụ quan trọng của chính quyền. Làm được như vậy phải là con người văn hóa có tấm lòng rộng mở, “chỉ sợ lòng mình không rộng, chứ không sợ người ta không theo mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng nền văn hóa mới phải đề cao con người, quan tâm, chăm lo mọi đối tượng để mỗi thành phần, tầng lớp đều được trao cơ hội vươn lên. Trong chiến lược văn hóa của Người, vấn đề được quan tâm hàng đầu là xây dựng nền giáo dục cách mạng chân chính để con người được phát triển toàn diện, đào tạo thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng.

Tư tưởng giáo dục của Người không bó hẹp trong việc giáo dục học vấn, mà hướng tới đào tạo con người toàn diện, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất xây dựng con người mới, cuộc sống mới.

Người phát động phong trào Tết trồng cây, mong muốn thay dần tập quán ăn uống nặng nề, tốn kém. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn khi Người qua đời, không nên lãng phí dựng bia đá, tượng đồng, mà tro cốt được chôn trên một quả đồi và có kế hoạch trồng cây trên và xung quanh đồi. Ai đến thăm cũng trồng thêm một cây làm kỷ niệm.

Trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn giáo dục tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, từ trồng cây nghĩ đến trồng người. Ý tưởng cần trồng thêm cây nhỏ để có thời gian phát triển, trưởng thành đủ sức thay thế cây già cỗi là suy nghĩ sâu xa về sự nghiệp trồng người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Những chủ trương văn hóa: xóa mù chữ, trồng cây, trồng người, cải tạo môi trường sinh thái để bảo vệ môi trường sống... được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra từ sớm (giữa những năm 40 - 50 của thế kỷ XX), đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã được Liên hợp quốc đề lên thành những cuộc vận động lớn của toàn thế giới. Khi lịch sử lùi xa một khoảng thời gian đủ dài, thế giới càng có cơ sở khẳng định ở Chủ tịch Hồ Chí Minh một nhãn quan văn hóa tinh tường, thấu suốt, đã vạch ra những đường lối, chủ trương, phong trào văn hóa sâu sắc có giá trị bền vững tận mai sau.

Làm mới khái niệm văn hóa truyền thống

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm mới những khái niệm văn hóa truyền thống bằng ý nghĩa cách mạng mới mẻ của thời đại bên cạnh việc đề ra nhiều chuẩn mực đạo đức cần có ở cán bộ, đảng viên. Người sống hòa hợp, tôn trọng văn hóa của nhân dân. Người nói, có những phong tục tốt, cần giữ lại, cũng có tập quán không tốt, cần thay đổi, nhưng không phải tự ý cán bộ thay đổi ngay một lúc, mà phải vận động từ từ để quần chúng giác ngộ, tự cải cách.

Năm 1946, nạn đói khắp nơi, Người đề nghị phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất, đồng thời mở cuộc lạc quyên, khơi dậy truyền thống đùm bọc, bầu bí thương nhau. Hưởng ứng lời kêu gọi, tấm gương của Người, cả nước dấy lên phong trào “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn”… Chỉ sau một tuần quyên góp, cả nước đã có hàng chục vạn tấn gạo cứu đói.

Người phát động cuộc vận động Đời sống mới nhằm giáo dục nhân dân đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính.

Người sáng tạo nội hàm mới mang tinh thần thời đại cho những khái niệm đạo đức quen thuộc: trung, hiếu, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư với mong muốn cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Là chiến sĩ tích cực trên mặt trận văn hóa tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng một cách thành thạo trong viết văn, viết báo, làm thơ, viết kịch… phục vụ cách mạng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ tự nhận mình là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, nhưng thế giới không chỉ vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, mà còn là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Người đã làm rạng danh quê hương, đất nước và văn hóa dân tộc trong hành trình tìm tòi, sàng lọc, điều chỉnh và phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên thời đại rực rỡ tên vàng cùng với hệ thống tư tưởng sâu sắc ở nhiều lĩnh vực. Những đóng góp lớn của Người về văn hóa đan cài, thống nhất chặt chẽ trong tổng thể sự nghiệp cách mạng vĩ đại từ mấy mươi năm trước vẫn tiếp tục là định hướng quan trọng lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Với những ý nghĩa sâu rễ bền gốc ấy, Người là Nhà văn hóa kiệt xuất trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

[Infographic] Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn"
Theo lời căn dặn của Bác: ”Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư