Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
VCCI kiến nghị giảm tiền thuê đất cho 26 địa phương cao hơn mức chung
Khánh Linh - 02/10/2024 10:27
 
Mức giảm tiền thuê đất năm 2024 cho các doanh nghiệp đang được VCCI kiến nghị là 30%, phương án cao trong các đề xuất của Bộ Tài chính.

Chọn phương án cao

Trong Công văn gửi Bộ Tài chính để góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị chọn phương án cao, với mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2024.

Phương án còn lại trong Dự thảo có mức giảm là 15%.

Theo giải trình của VCCI, tình hình thu ngân sách năm 2024 rất khả quan là một trong những cơ sở để đưa ra mức giảm cao cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đã thu được 60,4% dự toán, vượt 16,42% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm đã thu được 72,65% dự toán, vượt 19,09% so với cùng kỳ; tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước đã đạt đến 91,63% dự toán.

Tờ trình Dự thảo cũng nhận định: “…dự toán thu ngân sách năm 2024 đã được Quốc hội thông qua sẽ đạt và vượt; số tiền thuê đất giảm theo chính sách này không ảnh hưởng đáng kể đến số thu ngân sách nói chung…”.

Bên cạnh đó, VCCI nhìn nhận lại chính sách giảm tiền thuê đất trong các năm từ 2020 đến 2023 đã mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh khi chịu tác động của Covid.

“Mức giảm tiền thuê đất của năm trước là 30% và được đánh giá là hợp lý. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2, áp dụng mức giảm 30% tiền thuê đất phải nộp cho năm 2024”, VCCI kiến nghị.

Có phương án giảm tiền thuê đất cao hơn cho 26 địa phương

Đây chính là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi. VCCI kiến nghị.

Nhà xưởng 1.800 m2 của Công ty TNHH Vina Bigo (KCN Nhật Bản Hải Phòng) sau bão Yagi

Các doanh nghiệp tại các tỉnh thành phố này đang rất cần được hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 143 trong đó yêu cầu nghiên cứu chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất.

Đây là cơ sở VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mức giảm tiền thuê đất cho 26 địa phương chịu ảnh hưởng của bão cao hơn so với mức giảm chung của cả nước.

“Chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp tại các địa phương này có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và chuẩn bị phúc lợi cho người lao động cho dịp tết sắp tới”, VCCI giải trình lý do của đề xuất.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 - bão Yagi của Chính phủ, tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, có khoảng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp do sạt lở đất.
Nông nghiệp thiệt hại khoảng 285.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 189.982 ha rừng; 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết.
Nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại như đường dây truyền tải, trạm biến áp, cột viễn thông, tuyến cáp quang, trạm BTS bị mất liên lạc; đã xảy ra 796 sự cố đê điều; 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở, 3.517 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thiên tai làm cho tăng trưởng GDP Quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Kéo dài cơ cấu nợ, tham mưu thực hiện khoanh nợ cho khách hàng thiệt hại bởi bão lũ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư