Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 04 năm 2025, 17h49
VFA vẫn là đầu mối mua tạm trữ lúa hàng hóa
Phú Khởi - 23/05/2013 16:26
 
Chính sách hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ lúa hàng hóa thời gian qua đã góp phần điều tiết cung cầu, ổn định giá cả cho mặt hàng lúa gạo. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa chính sách này thì cần thiết phải ban hành quy chế hoạt động, trong đó có phân định rõ đầu mối thu mua tạm trữ lúa gạo.
TIN LIÊN QUAN
Nhiều đại biểu cho rằng, giao cho địa phương làm đầu mối
mua tạm trữ lúa gạo rất khó thực hiện

Kiềm chế đà giảm giá

Theo báo cáo của Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT), trong vụ đông xuân vừa qua, 13 ngân hàng thương mại đã tài trợ tín dụng 7.612 tỷ đổng cho 116 doanh nghiêp mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa (1 triệu tấn quy gạo).

Nhờ triển khai mua tạm trữ giá lúa đã được giữ ổn định đảm bảo cho nông dân có lãi, giúp doanh nghiệp (DN) xuất khẩu giữ được giá bán ở mức hợp lý có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hoạt động mua tạm trữ cũng còn một số hạn chế: lợi ích của người trồng lúa chưa đạt được như mong muốn.

Sản lượng mua tạm trữ chiếm chỉ 15% so với tổng sản lượng. Nhiều địa phương có sản lượng lúa lớn nhưng do thiếu DN có năng lực mua tạm trữ nên sản lượng mua tạm trữ được phân bổ rất thấp. Sự phối hợp giữa Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và địa phương đôi lúc chưa thật sự nhịp nhàng; nhiều diện tích lúa đông xuân thu hoạch sớm chưa được hưởng lợi từ chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.

Nhằm kiềm chế đà giảm giá gạo trong thời gian xuất khẩu còn chậm, các địa phương kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ nâng mức thu mua tạm trữ lúa trong vụ hè thu lên 1,5 triệu tấn vì tổng sản lượng lúa hè thu của vùng dự kiến đạt đến 9 triệu tấn, trong đó có hơn 3 triệu tấn gạo hàng hóa, dự báo lượng gạo hàng hóa sản xuất cả năm đạt khỏang 8 triệu tấn.

Hài hòa lợi ích

Tại hội nghị đóng góp cho dự thảo “Quy chế tạm trữ lúa” tại Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay, 23/5, tại TP.Cần Thơ, đại diện nhiều địa phương trong vùng cho rằng phương án giao cho địa phương làm đầu mối mua tạm trữ lúa gạo rất khó thực hiện vì trong khi địa phương phân bổ cho DN trên địa bàn mua lúa vào nhưng quyết định đầu ra cho DN lại vẫn là Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA). “ Lệnh doanh nghiệp mua vào tạm trữ nhưng khi DN hỏi bán ra ở đâu và sản lượng bao nhiêu, giá cả ra sao thì chính quyền địa phương hoàn toàn mù tịt, như thế thì làm sao nói để DN nghe”, ông Nguyễn Văn Ngưng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng đóng góp.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang cho rằng, do thời vụ gieo sạ tại ĐBSCL kéo dài nên thời gian mua tạm trữ cũng phải kéo dài theo, việc hỗ trợ lãi suất tối đa 60 ngày là chưa đáp ứng yêu cầu, nên kiến nghị tăng thời gian hỗ trợ lên từ 90-120 ngày để DN bớt áp lực trả nợ vay.

Điều 5 của Dự thảo Quy chế tạm trữ lúa đưa ra 3 phương án tổ chức tạm trữ: phương án 1 làm như trước tới nay đã làm là giao cho VFA làm đầu mối để phân giao lại cho các thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện; phương án 2 là UBND tỉnh, thành thay thế vai trò của VFA; còn phương án thứ 3 là nếu địa phương nào thấy khó tổ chức thì có thể giao cho VFA làm thay.

VFA cho biết đến 16/5/2013 đã xuất khẩu 2,385 triệu tấn gạo, tăng 11,5% về sản lượng và 4,85% về giá trị. Hợp đồng xuất khẩu gạo đến cùng thời gian này là 4,420 triệu tấn.

VFA nhận định, xuất khẩu gạo năm 2013 còn nhiều khó khăn, khó lường, vì gạo tồn kho của Thái Lan, Ấn Độ rất lớn, tổng nguồn cung gạo thương mại thế giới tăng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư