Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì sao trung tâm logistics tại TP.HCM chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
Anh Quân - 02/11/2024 09:20
 
TP.HCM quy hoạch 8 trung tâm logistics quy mô lớn, nhưng đến nay vẫn chưa có trung tâm nào được khởi công xây dựng, do thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian, khiến nhà đầu tư “nản lòng”.

Thủ tục qua 12 bước

Chia sẻ về việc đầu tư trung tâm logistics tại TP.HCM, ông Lê Ngọc Ánh Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pacific Group cho hay: “Trước đây, chúng tôi cùng một số đối tác nước ngoài xem xét hợp tác đầu tư trung tâm logistics tại TP.HCM, nhưng khi tìm hiểu và khảo sát, các nhà đầu tư nước ngoài quyết định rút lui vì thấy thủ tục quá phức tạp”.

Được biết, TP.HCM đã quy hoạch 8 vị trí để xây dựng các trung tâm logistics quy mô lớn. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, chưa có dự án nào được khởi công. Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, rồi… bỏ đi.

Theo ông Minh, nếu nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn thuê quỹ đất của tư nhân, thì dự án sẽ được thực hiện nhanh, nhưng giá thuê rất cao, doanh nghiệp không “kham” nổi. Trong khi đó, nếu thuê quỹ đất công do Nhà nước quản lý, thì giá thấp hơn, song phải thực hiện thủ tục đấu thầu rất phức tạp, qua nhiều bước. 

Trường hợp vượt qua được vòng đấu thầu thuê đất, nhà đầu tư cũng “mướt mồ hôi” mới có thể hoàn thành các quy trình, thủ tục. Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, quy trình đầu tư một trung tâm logistics gồm 12 bước, trong đó có những bước mất rất nhiều thời gian như lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện các thủ tục về đất đai, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi…

Vấn đề thủ tục đầu tư trung tâm logistics cũng đã được nhiều đại biểu nêu ra để chất vấn lãnh đạo các sở, ngành tại các kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM diễn ra vào cuối năm 2022, trả lời chất vấn của một số đại biểu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, năm 2023, Thành phố khởi công xây dựng trung tâm logistics chuyên nghiệp đầu tiên tại Khu công nghệ cao, vì dự án đã thực hiện đến bước thứ 8 trong 12 bước. Thế nhưng, tới giờ này, dự án vẫn “bất động”.

Tìm hiểu, phóng viên Báo Đầu tư được biết, Dự án Trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao TP.HCM đang vướng mắc về thủ tục, nên chưa thể khởi công.

Nhà nước và tư nhân có thể hợp tác đầu tư

Giữ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, TP.HCM xác định, logistics là một trong những ngành mũi nhọn, có tác động đến tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững. Việc quy hoạch các trung tâm logistics với đầy đủ chức năng (vận tải, phân phối hàng hóa, khu vực quản lý nhà nước về hải quan, thuế, trung tâm kiểm định chuyên ngành…) để cung cấp chuỗi dịch vụ tích hợp hoàn chỉnh sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp sản xuất.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh, việc phát triển các trung tâm logistics là cấp thiết. Tuy nhiên, theo ông, các trung tâm logistics hiện nay chủ yếu phát triển tự phát, chưa có trung tâm nào đủ tầm quốc gia và khu vực. Vì vậy, từ nay đến năm 2025, TP.HCM ưu tiên mời gọi đầu tư 3 trung tâm logistics tại TP. Thủ Đức là Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao, Linh Trung và Long Bình.

Chủ trương này của TP.HCM nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Dù vậy, các nhà đầu tư cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch. Đơn cử, hiện nay, nhiều địa phương rất lúng túng trong việc quy hoạch đất xây dựng trung tâm logistics, nơi thì quy hoạch thành đất công nghiệp, nơi lại quy hoạch thành đất kho bãi, nơi thì quy về đất bất động sản, nên doanh nghiệp rất khó thực hiện.

Nhìn nhận từ góc độ đầu tư, TS. Nhan Cẩm Trí (Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM) cho rằng, khi quy hoạch trung tâm logistics, cần chú trọng 4 vấn đề: chọn lựa vị trí, thiết kế dịch vụ, huy động nguồn tài chính và chuẩn bị nguồn nhân lực.

Theo đó, trung tâm logistics không nên đặt trong nội thành, mà nên đặt ở các đầu mối xuất nhập khẩu, gần cảng biển, sân bay để thuận tiện cho vận chuyển. Trung tâm logistics phải có đầy đủ các dịch vụ, từ đóng gói, giao nhận, tới các dịch vụ đi kèm như ngân hàng, bảo hiểm, sửa chữa container… Như vậy, sẽ tránh được tình trạng manh mún.

Đối với nguồn tài chính để xây dựng trung tâm logistics, Nhà nước có thể đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ và vận hành; hoặc Nhà nước đầu tư và điều hành quản lý thời gian đầu, khi hiệu quả thì sẽ kêu gọi tư nhân tham gia. Ngoài ra, TS. Nhan Cẩm Trí gợi ý một phương án khác là Nhà nước kêu gọi một nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm, có nền tảng vững chắc, có tầm nhìn chiến lược để phát triển trung tâm logistics.

Dự báo ngành logistics và cung ứng của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng
Lĩnh vực logistics và quản trị cung ứng Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều tiềm năng. Mặc dù còn không ít thách thức, nhưng logistics và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư