Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam, ASEAN trong cơn xoay vần chưa có tiền lệ
Lê Quân - 28/08/2020 09:40
 
Covid-19 cho thấy Việt Nam và rộng ra là Cộng đồng ASEAN tự tin và có bản lĩnh mạnh mẽ, cũng như tinh thần tự cường trước thách thức chưa từng có tiền lệ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh ASEAN 2020. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh ASEAN 2020. Ảnh: Quang Hiếu

Không khoanh tay đứng nhìn

Trong khi một số cơ chế hợp tác khác gặp khó khăn như EU chứng kiến sự ra đi của Anh (Brexit), còn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) rơi vào thế bí giữa xung đột Mỹ - Trung, thì ASEAN lại ghi điểm với cơ chế hợp tác đoàn kết, thống nhất.

Đặc biệt, trước thách thức to lớn và chưa có tiền lệ do Covid-19, ASEAN đã tự tin thể hiện bản lĩnh mạnh mẽ và tinh thần tự cường; đồng thời chủ động hợp tác với các đối tác thông qua triển khai các nghị quyết họp cấp Bộ trưởng kinh tế với Mỹ, EU và Australia và các Tuyên bố chung cấp cao ASEAN và ASEAN +3 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc họp tại Hà Nội, tháng 4/2020.

Ông Ahmed Saeed, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phụ trách khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho rằng, trước thách thức Covid-19, không quốc gia, cộng đồng nào tránh khỏi vòng ảnh hưởng, chỉ có cách hợp tác chống chọi lại các thách thức và khắc phục hậu quả.

Theo dự báo của ADB, kinh tế châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1961, khi chỉ tăng 0,1% trong năm 2020. Việt Nam được dự báo khả quan hơn, với tăng trưởng cao nhất trong ASEAN, có thể đạt mức tăng 4,1% trong năm 2020. Theo sau là Brunei và Myanmar được dự báo lần lượt tăng trưởng 1,4% và 1,8% trong năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, các nước ASEAN đã xác định được những ưu tiên vĩ mô khi đưa ra quyết định mở cửa kinh tế thời Covid-19, bên cạnh những phản ứng tiền tệ và tài khóa đồng bộ, đảm bảo hỗ trợ y tế và xã hội cần thiết.

Theo ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng cao cấp, kiêm Bộ trưởng Điều phối chính sách xã hội Singapore, trong các xu hướng hiện nay, việc doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là điều thấy rõ, nhằm tránh chi phí sản xuất tăng cao ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Lúc này, để nâng cấp kết nối chuỗi cung ứng, doanh nghiệp ở khu vực ASEAN phải vận động để cải thiện khả năng cạnh tranh.

“Covid-19 là cú sốc lớn đối với không riêng gì ASEAN, nhưng cũng tạo cơ hội để tăng khả năng tự cường trong giai đoạn mới khi dịch đi qua”, ông Shanmugaratnam nhận định.

Lựa chọn khôn ngoan để đứng dậy sau dịch

ASEAN hiện có quy mô GDP gần 3.000 tỷ USD và là thị trường có sức mua lớn với 630 triệu dân. Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với thu nhập người dân ngày càng tăng, ASEAN là thị trường phù hợp với các tham vọng kinh doanh của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh doanh ASEAN 2020 khai mạc chiều 25/8 và kéo dài đến ngày 27/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu nhấn mạnh bản lĩnh mạnh mẽ và tinh thần tự cường của ASEAN khi đối mặt với thách thức do Covid-19 gây ra; đồng thời chia sẻ những quyết sách hợp tác kinh tế mạnh mẽ của ASEAN, hướng đến Tầm nhìn ASEAN 2025 và 2030.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, trước tiên, các nước ASEAN tiếp tục đoàn kết, thống nhất, giữ vững ổn định, khẳng định và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác kinh tế khu vực và ưu tiên hợp tác với các quốc gia đối tác và doanh nghiệp quốc tế. 

Thứ hai, ASEAN đề cao thượng tôn pháp luật, xây dựng các khuôn khổ hợp tác mang tính ổn định, bền vững, đặc biệt là cho phát triển nền kinh tế số. ASEAN có đủ sức cạnh tranh thu hút sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng tại khu vực.

Thứ ba, ASEAN đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng (đường bộ, cảng biển, sân bay, năng lượng, viễn thông…) và hạ tầng mềm (hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính…), trong đó chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Thứ tư, ASEAN phấn đấu thu hẹp khoảng cách phát triển, thực sự lấy người dân làm trung tâm, lợi ích cộng đồng làm cơ sở. Mở rộng hợp tác trong Tiểu vùng Mekong - nơi có rất nhiều tiềm năng chờ đón các luồng vốn đầu tư kinh doanh.

Cuối cùng, ASEAN đề cao sự hợp tác giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Chính phủ chắp cánh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên và doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp phát triển, hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện về quản trị, phục vụ.

Bà Judy Hsu, CEO phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered nhìn nhận, giữa thách thức Covid-19, đây là thời điểm thích hợp để ngồi lại bàn thảo và tìm kiếm các cơ hội mới tại ASEAN, một khu vực với lực lượng lao động trẻ và năng động, còn tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và nền kinh tế số phát triển sôi động.

Còn theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Covid-19 xuất hiện khiến đoàn tàu kinh tế thế giới ngưng lại. “Nếu chỉ tính tác động của Covid-19 là chưa đủ, mà còn phải xem xét đến những tác động của xung đột Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị”, ông Thiên nói.

Chính phủ Việt Nam có đối sách hợp lý khi thực hiện chiến lược vừa chống dịch, vừa giữ nền kinh tế không bị suy sụp và đến nay đạt được kết quả tương đối tốt.

Trong khi Covid-19 chặt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là từ thị trường Trung Quốc, thì Việt Nam vốn có hoạt động xuất nhập khẩu sôi động không tránh khỏi liên lụy.

Ông Trần Đình Thiên cho biết, kết quả khảo sát thị trường trong nước đầu tháng 5 chỉ ra, có đến 86% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đáng kể bởi Covid-19, nhưng đến nay tỷ lệ này có lẽ tăng lên 100%. Đầu tháng 5, khoảng 90% người lao động bị ảnh hưởng thu nhập và đến nay có thể cũng tăng lên 100%.

Các dự báo của tổ chức quốc tế và dự báo trong nước về kinh tế Việt Nam cho thấy, khó khăn vẫn ở phía trước, do Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nhiều bởi biến động kinh tế thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh nước láng giềng Trung Quốc chịu nhiều tác động kép từ Covid-19, căng thẳng Mỹ - Trung và lũ lụt, thì việc Việt Nam bị ảnh hưởng là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên, ông Thiên đánh giá, Chính phủ Việt Nam đang có những đối sách hợp lý khi thực hiện chiến lược vừa chống dịch, vừa giữ nền kinh tế không bị suy sụp và đến nay đạt được kết quả tương đối tốt. Nhưng điều quan trọng lúc này là cần xác định rõ chiến lược cứu doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp có thể đứng dậy vững vàng khi Covid-19 đi qua, PGS. TS Trần Đình Thiên gợi ý: “Cần xác định cứu những doanh nghiệp có tác động lan tỏa, có sức kéo với nền kinh tế; cứu những doanh nghiệp còn khỏe và sau đó những doanh nghiệp này quay sang cứu doanh nghiệp yếu hơn trong hệ sinh thái vì Nhà nước không thể cứu được hết các doanh nghiệp”.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể là "nơi chốn bình an" để cùng nhau hợp tác
Hướng đến Tầm nhìn ASEAN 2025 và 2030, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ những quyết sách hợp tác kinh tế mạnh mẽ của ASEAN.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư