Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam phấn đấu dẫn đầu khu vực về công nghệ vũ trụ
Minh Thái (baodatviet.vn) - 28/01/2016 07:07
 
Dù công nghệ chế tạo vệ tinh đang ở lớp 1 nhưng Việt Nam đang phấn đấu sẽ dẫn đầu khu vực trong công nghệ vũ trụ.
Việt Nam phấn đấu là nước dẫn đầu công nghiệp vũ trụ trong khu vực
Việt Nam phấn đấu là nước dẫn đầu công nghiệp vũ trụ trong khu vực

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết đã thành lập Trung tâm Vệ tinh quốc gia, trong đó có 4 trung tâm lớn, bao gồm: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trung tâm phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ vũ trụ, Đài thiên văn Nha Trang và Trung tâm Ứng dụng Công nghệ vũ trụ TP.HCM. Trong đó, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.

Theo VOV, Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã phối hợp với các trường đại học trong nước và quốc tế như Pháp, Nhật Bản xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ tại Việt Nam và các phòng thí nghiệm phục vụ cho việc phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ vũ trụ. Trung tâm cũng hướng tới làm chủ công nghệ vũ trụ, trong đó, đẩy mạnh khoa học vũ trụ, nghiên cứu thiên văn, tiến tới thương mại hóa sản phẩm từ công nghệ vũ trụ như hình ảnh vệ tinh, bản đồ về môi trường, tài nguyên, dự báo thời tiết…

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia cho biết, Trung tâm Vệ tinh quốc gia là một đơn vị dùng công nghệ cao ứng dụng hiệu quả, tạo doanh thu. “Từ năm 2016, chúng tôi xây dựng những dự án sản xuất vệ tinh cho những ngành đặc biệt, cho những nhiệm vụ đặc biệt. Chúng tôi cũng đã thống nhất với Nhật Bản tạo thành chuỗi quan sát cho Thái Bình Dương, cùng chia sẻ dữ liệu với nhau để tăng hiệu suất vệ tinh của Việt Nam và cũng để kinh doanh”, TS. Tuấn chia sẻ.

Dự kiến cuối năm 2016, Trung tâm Vệ tinh quốc gia sẽ đưa vệ tinh NanoDragon lên không gian và tiến tới năm 2020, đưa vệ tinh thương mại đầu tiên do Việt Nam sản xuất là LOTUSat 2 vào vũ trụ.

Vệ tinh LotuSat 2 là vệ tinh đầu tiên được sản xuất, lắp ráp và vận hành bởi đội ngũ kỹ sư của Trung tâm vệ tinh quốc gia mà không có sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài như các vệ tinh trước đó.

Những động thái trên cho thấy Việt Nam đang mang tham vọng lớn đối với ngành công nghiệp vũ trụ dù công nghiệp vệ tinh của Việt Nam đi chậm khoảng 30 - 40 năm so với các nước trên thế giới.

PGS.TS Phạm Anh Tuấn từng chia sẻ trên truyền thông rằng: "Làm vệ tinh cũng giống như đi học, lớp 1 rồi mới đến lớp 2 và các lớp cao hơn nữa. Chính vì vậy, Trung tâm đã đặt ra kế hoạch phát triển vệ tinh từ cấp độ PicoDragon nặng 1kg (năm 2013) tới NanoDragon (nặng 10kg - năm 2016), MicroDragon (nặng 50kg - năm 2018) và cuối cùng là LotuSat (nặng 500kg - năm 2020). Đây là một quá trình lâu dài, làm từng bước để làm chủ công nghệ vệ tinh".

Ông cũng thừa nhận, hiện nay, Việt Nam còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vũ trụ.

"Để ngành công nghệ vũ trụ đạt mục tiêu là ngành công nghệ mũi nhọn, cần phải có cơ chế đãi ngộ đặc thù.

Chúng ta chưa có đại học nào đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ, nếu có thì chỉ là những đơn vị đào tạo  liên kết với nước ngoài.

Để khắc phục tình trạng này, hiện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chủ động đào tạo nguồn nhân lực với việc cử đi học bậc thạc sĩ tại Nhật Bản cũng như liên kết đào tạo ở trong nước. Tính đến nay, đã có 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ được đào tạo tại Nhật Bản bằng nguồn ngân sách Dự án công nghệ vũ trụ quốc gia.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng liên kết với Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành vũ trụ và ứng dụng, hợp tác với Đại học Công nghệ Hà Nội đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ", ông Tuấn cho biết.

Đầu tư hơn 171 tỷ đồng xây Tổ hợp không gian khoa học đầu tiên tại Việt Nam
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Hội Gặp gỡ Việt Nam vừa tổ chức họp báo nhằm thông báo về lễ khởi công công trình Tổ hợp không gian khoa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư