Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Vietcombank: Lợi nhuận năm 2023 cán đích mục tiêu, quyết liệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc
Thùy Liên - 06/01/2024 09:06
 
Sáng nay (6/1), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% trong năm 2024.

Năm 2023: Tín dụng tăng 10,6%, lợi nhuận đạt mục tiêu đề ra

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2023, Vietcombank hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Cụ thể, huy động vốn thị trường 1 đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022.  Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.

Đặc biệt, chất lượng tín dụng của ngân hàng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu nhóm 2 là 0,42%; tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 0,97% - thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. Dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu Thông tư 11 đạt mức 185%.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, năm 2023, ngân hàng hoàn thành lợi nhuận kế hoạch được giao, chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%.

ĐHĐCĐ Vietcombank năm 2023 đã thông qua mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế 15%, đạt tối thiểu gần 43.000 tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt lợi nhuận 29.550 tỷ đồng. Hiện Vietcombank đang là quán quân lợi nhuận toàn ngành ngân hàng.

Điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank là doanh số giữ nhịp tăng trưởngg. Cụ thể, năm 2023, thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại của ngân hàng đạt 19,2%. Doanh số thanh toán, sử dụng thẻ tăng lần lượt 24,3% và 20,5% so với năm 2022. Trong năm, nền tảng khách hàng của ngân hàng tiếp tục được mở rộng. 

Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 tăng 10%, triển khai phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Lãnh đạo Vietcombank nhận định, triển vọng kinh tế thế giới 2024 được dự báo “hạ cánh mềm” bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Doanh nghiệp còn quan ngại mở rộng sản xuất kinh doanh do rủi ro lãi suất còn hiện hữu và căng thẳng địa chính tiếp tục xói mòn thương mại quốc tế. Hàng rào bảo hộ hạn chế xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cũng làm méo mó thương mại quốc tế.

Dự báo của các tổ chức thế giới về tăng trưởng kinh tế của các nước lớn đều giảm tốc so với 2023. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới nửa sau năm 2024 sẽ lạc quan hơn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm kỳ vọng tăng trưởng sẽ là động lực kéo tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ lạc quan hơn triển vọng kinh tế thế giới nhờ nỗ lực điều hành kịp thời của Chính phủ tiếp tục phát huy tác dụng. Tăng trưởng kinh tế đặt mục tiêu ở mức 6% - 6,5% có thể thực hiện được nhờ các trụ đầu tư công, khu vực FDI, các dự án trọng điểm quốc gia, và sức mua tăng trong năm 2024. Kim ngạch xuất nhập khẩu kỳ vọng tăng trưởng trở lại nhờ các khu vực FDI, nông nghiệp,… Sản xuất công nghiệp phục hồi từ việc đẩy mạnh triển khai các dự án lớn trọng điểm quốc gia, phục hồi của khu vực FDI,…

Trong khi thế giới mới đi vào pha kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, NHNN tiếp tục duy trì chính sách lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính sách tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt thích ứng nhằm đảm bảo ổn định lạm phát theo mục tiêu. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2024 ở mức 15% sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế như trên, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức thận trọng. Theo đó, tổng tài sản tăng ít nhất 8%, tín dụng tăng ít nhất 12% và trong hạn mức NHNN giao, nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%.

Để thực hiện mục tiêu trên, Vietcombank đề ra một số giải pháp như: Tăng trưởng tín dụng theo đúng định hướng tín dụng ngành, tập trung ưu tiên tăng trưởng tín dụng vào những ngành mở rộng; Phát triển dịch vụ quản lý tài chính và sản phẩm đầu tư dành cho các phân khúc khách hàng bán lẻ trọng tâm, triển khai các giải pháp; Duy trì, phát huy lợi thế trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ, Thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại; Phát triển các mảng hoạt động dịch vụ tư vấn tài chính mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp; Điều hành linh hoạt, hiệu quả lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay và giá vốn nội bộ phù hợp với diễn biến thị trường, định hướng kinh doanh; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Mở rộng phát triển khách hàng tốt và nâng cao sản phẩm dịch vụ… 

Bên cạnh đó, Vietcombank cũng cho biết sẽ quyết liệt triển khai Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Cụ thể, sẽ tích cực triển khai các công việc cần thiết theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện Phương án nhận chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, triển khai đúng tiến độ các biện pháp hỗ trợ khi Phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Vietcombank đã cấp khoản tín dụng 9.302 tỷ đồng cho CII
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII – sàn HoSE) được Ngân hàng Vietcombank cung cấp khoản vay lên tới 9.302 tỷ đồng, kỳ hạn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư