Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Vietravel muốn xây cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại Huế
Bảo Như - 29/11/2023 13:12
 
Vietravel vừa có buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế bàn về việc nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Nếu Dự án của Vietravel và Boeing được triển khai thành công sẽ mở ra cơ hội lớn cho Thừa Thiên Huế phát triển ngành công nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.
Nếu Dự án của Vietravel được triển khai thành công sẽ mở ra cơ hội lớn cho Thừa Thiên Huế để phát triển ngành công nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.

Tại buổi gặp gỡ có ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, ông Michael Vũ Nguyễn, Giám đốc quốc gia Boeing Việt Nam.

Trong buổi gặp gỡ, Tập đoàn Vietravel đã báo cáo về việc nghiên cứu xấy dựng cơ sở bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, kết hợp thực hành đào tạo tàu bay dự kiến được xây dựng trên khu đất khoảng 24 ha gồm hệ thống tòa nhà Hangar (nhà chứa tàu bay), workshop, nhà làm việc, sân bãi, các công trình phụ trợ,… thiết kế thuận tiện cho hoạt động khai thác, tối đa hóa các chức năng sử dụng, thân thiện môi trường, an toàn, chống mưa bão, nắng nóng,… đảm bảo kết nối giao thông với đường lăn Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và với Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu sử dụng của Vietravel Airlines và khách hàng.

Với quy mô đầu tư dự kiến và yêu cầu của hoạt động bảo dưỡng sửa chữa tàu bay theo thông lệ, Vietravel Airlines dự kiến sẽ phục vụ được cùng lúc từ 3-5 tàu bay tầm trung trong thời gian đầu (5 năm). Sau đó, căn cứ trên quy mô và khả năng kết nối của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài cũng như nhu cầu của thị trường, Vietravel Airlines sẽ mở rộng khu vực hangar để có thể phục vụ được từ 5 - 7 tàu bay.

Việc nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, kết hợp thực hành đào tạo tàu bay sẽ đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa, đào tạo, trưng bày, mô phỏng,… phục vụ cho hoạt động của Vietravel Airlines hiện tại và phục vụ nhu cầu bên ngoài trong tương lai. Hình thành cơ sở nhà xưởng chuẩn quốc tế cho hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa các loại tàu bay thông dụng phục vụ hoạt động vận chuyển hàng không, phục vụ mặt đất của Vietravel Airlines và nhu cầu của các đơn vị khác trong Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Bên cạnh đó, đào tạo chuyên môn, nâng cao tay nghề cho lao động kỹ thuật cao về ngành hàng không, dịch vụ bảo dưỡng phục vụ cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam. Điều này sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Kỳ và ông Michael Vũ Nguyễn cho biết chuyến thăm đến Huế của đoàn lần này là cơ hội tìm hiểu thêm những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế vào các lĩnh vực thương mại, du lịch… Đồng thời bày tỏ mong muốn nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, kết hợp thực hành đào tạo tàu bay tại Thừa Thiên Huế.

Ông Michael Vũ Nguyễn cho rằng, để hiện thực hóa ý tưởng trên, nhà đầu tư cần đảm bảo điều kiện về đất đai, nhân lực lẫn chuyên gia. Về phía Boeing sẽ kết hợp chuyển giao công nghệ và hỗ trợ trong công tác đào tạo cho hãng, đồng thời cho biết sự đồng hành của tỉnh đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, địa thế của sân bay Phú Bài có sự kết nối với các khu công nghiệp, cảng nước sâu Chân Mây, Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc – Nam phía Đông.. sẽ là những điểm thuận lợi của dự án.

“Hiện một số nhà đầu tư châu Âu tận dụng lợi thế này để phát triển khu công nghiệp theo hướng điện tử; phía cảng Chân Mây cũng có sự đầu tư lớn trong thời gian qua để phát huy tiềm năng…” Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Hiện nay, tại các đồ án quy hoạch mang tầm quốc gia, vai trò của Huế cũng được khẳng định. Theo đó, cùng với Đà Nẵng, Huế sẽ là cực tăng trưởng quan trọng tại khu vực miền Trung. Đối với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài sẽ gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, vận tải, logistics; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm chuyên ngành về y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ thương mại; phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.

Ông Nguyễn Văn Phương hoan nghênh, đánh giá cao việc các đơn vị đã đến tìm kiếm đầu tư và hợp tác với tỉnh về vận tải hàng không, du lịch. Địa phương luôn sẵn sàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng lộ trình; hỗ trợ đến mức tối đa, kể cả hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

“Vận tải và công nghiệp hàng không sẽ góp phần thúc đẩy rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội nên đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn các thủ tục, tạo các điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư