Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Viettel Post - VNPost mở sàn giao dịch trực tuyến: Cuộc chiến thương mại điện tử
Hữu Tuấn - 20/06/2017 08:41
 
Cả Viettel Post, VNPost bước vào “cuộc chơi” khốc liệt thương mại điện tử và cả hai đều bán chung một mặt hàng là đặc sản các vùng miền.
.
Viettel Post đang khai thác sàn thương mại điện tử Sandacsan.com.vn

Cuộc chơi mới của 2 đại gia bưu chính

Cách đây vài ngày, https://badasa.com.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã chính thức “chào sàn”. Theo VNPost, sàn thương mại điện tử Badasa sẽ cung cấp khoảng 20.000 sản phẩm đặc sản. Nguồn sản phẩm, hàng hóa của Badasa được cung cấp từ 5.000 nhà cung cấp sản phẩm, gồm các doanh nghiệp lớn, các tổ chức, cơ sở sản xuất, hộ gia đình được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn, quy định về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, thương hiệu.

Theo lãnh đạo VNPost, Badasa hoạt động trên nguyên tắc mua hàng trực tiếp từ các cơ sở sản xuất tại tất cả các tỉnh, thành phố và cung cấp tới tận tay khách hàng, không thông qua bất kỳ cấp trung gian nào. Chính vì vậy, giá thành và chất lượng sản phẩm luôn được ưu đãi và đảm bảo nhất khi tới tay người dùng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc VNPost, việc ra đời sàn thương mại điện tử Badasa.com.vn là nhằm tận dụng những lợi thế về dịch vụ chuyển phát, thanh toán, thu tiền, cùng lực lượng lao động đông đảo của VNPost có mặt tại khắp thôn - bản trong việc nắm bắt rõ ràng về từng nhà cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng. VNPost mong muốn được trở thành cầu nối giữa người có sản phẩm đặc sản tại tất cả các vùng miền với người tiêu dùng trên cả nước.

Cũng trong tháng 9/2016, Viettel Post đã khai trương sàn thương mại điện tử Sandacsan.com.vn. Theo lãnh đạo Viettel Post, việc mở trang thương mại điện tử này là nhằm nắm bắt xu thế thị trường thương mại điện tử và thế mạnh về mạng lưới vận chuyển, hệ thống bưu cục “đi sâu đi xa” trên toàn quốc. Cùng với đó, Viettel Post cũng muốn giúp người sản xuất đặc sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ngon bán được sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận chuyển qua khâu trung gian đến tay người mua, đồng thời hỗ trợ người mua hàng có thể thanh toán khi nhận hàng.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, năm 2017, Viettel Post đẩy nhanh phát triển hậu cần thương mại điện tử. Đồng thời, sẽ kết hợp với Viễn thông Viettel để tạo ra những sản phẩm dịch vụ xuất sắc.

Những điểm trùng hợp thú vị

Không chỉ “trình làng” cùng một thời điểm trong tháng 9/2016, sàn Badasa.com.vn của VNPost và Sandacsan.com.vn của ViettelPost cũng có những điểm giống nhau… kỳ lạ.

Đầu tiên, về mặt hàng, cả 2 sàn thương mại điện tử của hai doanh nghiệp này đều bán hàng đặc sản các vùng miền của Việt Nam. Thậm chí, cách tìm kiếm, phân loại mặt hàng trên 2 sàn thương mại điện tử của 2 doanh nghiệp này đều giống nhau. Vừa “quy hoạch” mặt hàng theo nhóm hàng như nhóm đồ uống, nhóm bánh mứt kẹo, gạo - ngũ cốc, hoa quả - hạt khô… lại vừa “quy hoạch” mặt hàng theo địa phương vùng miền: miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam, miền Tây.

Cả 2 sàn thương mại điện tử này đều tận dụng hệ thống, hạ tầng, nguồn nhân lực nhiều và rộng khắp, có thế mạnh về chuyển phát để kinh doanh đặc sản, chuyển đến tận tay người tiêu dùng. Lợi thế này được cho là sẽ giảm giá thành, chuyển hàng nhanh gọn sản phẩm đến tay người dùng.

Có thể thấy rằng, với việc cùng thời gian tung ra sàn thương mại điện tử, cùng bán chung mặt hàng, cùng tận dụng lợi thế của mình Viettel Post và VNPost đã bắt đầu bước vào “cuộc chiến” trực diện trên mặt trận mới.

Ai sẽ chiến thắng?

Từ năm 1997, khi bắt đầu thành lập, Viettel Post đã trở thành đối thủ trực tiếp của VNPost trong lĩnh vực cốt lõi bưu chính và chuyển phát. VNPost vẫn đang nắm thị phần, doanh thu số một Việt Nam và vượt xa Viettel Post.

Nhưng, riêng trong lĩnh vực mới thương mại điện tử, hai doanh nghiệp này hứa hẹn sẽ có cuộc đối đầu khá thú vị. Điển hình như về nhân lực cho thương mại điện tử thực hiện việc chuyển hàng, VNPost đang có trong tay 40.000 lao động, còn Viettel Post chỉ bằng 1/10 nhân lực với hơn 4.000 lao động. VNPost nắm trong tay mạng lưới 8.000 bưu điện văn hóa xã, thì Viettel Post mới phát triển mạng lưới tại 713/713 quận/ huyện.

Nhưng Viettel Post đang nắm trong tay lợi thế mạnh hơn về công nghệ, logistics. Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2016 của Viettel Post, dịch vụ logistics đang được mở rộng quy mô hoạt động và dịch vụ chuyển phát giao hàng thu tiền (COD) ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động của Viettel. Viettel Post có hệ thống vận hành hiện đại với toàn bộ nhân viên được trang bị thiết bị cầm tay, cập nhật tình trạng đơn hàng nhanh chóng ngay trong mọi thời điểm.

 Điều thú vị hơn cả là, từ lâu nay, “ông bố” Tập đoàn Viettel vẫn đang ấp ủ khát vọng cuộc chơi thương mại điện tử và công ty con như Viettel Post sẽ là “lính tiên phong” lĩnh trách nhiệm thử nghiệm cho Viettel. Vì thế, Viettel sẽ trợ giúp rất lớn cho Viettel Post, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, bán hàng.

Ở chiều ngược lại, VNPost cũng chắc chắn sẽ nhận được sự trợ giúp từ “người anh em” là Tập đoàn VNPT, bởi VNPost được tách ra từ VNPT và truyền thống ngành bưu điện vốn là “nghĩa tình, thuỷ chung”.

Chính vì thế, cuộc đấu giữa VNPost và Viettel Post trên sàn thương mại điện tử hứa hẹn sẽ là cuộc chiến vô cùng hấp dẫn trong năm 2017.

Xu hướng nào cho thương mại điện tử Việt Nam?
Năm 2017, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 25%, vượt cả kế hoạch đặt ra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư