Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vinalines trượt dài kế hoạch họp Đại hội đồng cổ đông
Bảo Như - 01/11/2019 09:11
 
Thời điểm tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) để khép lại lộ trình cổ phần hóa đã kéo dài suốt 5 năm qua vẫn là một ẩn số.
Nghe bài viết này tại đây :
Việc cổ phần hóa Vinalines đã không suôn sẻ như kỳ vọng ban đầu, do nhiều vấn đề phát sinh. Ảnh: A.M
Việc cổ phần hóa Vinalines đã không suôn sẻ như kỳ vọng ban đầu, do nhiều vấn đề phát sinh. Ảnh: A.M

Liên tục vỡ mốc thời gian

“Nếu như mọi việc suôn sẻ, Vinalines có thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào cuối tháng 12/2019”, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông của Vinalines cho biết.

Trước đó, vào ngày 26/7/2019, Vinalines đã có thông báo về việc thay đổi kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Công ty mẹ - Vinalines từ ngày 30/7/2019 sang cuối tháng 9/2019. Đây là lần thứ 5 kể từ tháng 9/2018 - thời điểm hoàn thành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Vinalines phải thay đổi kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.

Tại thư mời họp được phát đi vào cuối tháng 6/2019, Vinalines đã chính thức công bố các thông tin liên quan đến Đại hội đồng cổ đông lần đầu, như dự thảo điều lệ; báo cáo quá trình cổ phần hóa công ty mẹ; tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2019 - 2020…

Lý do thay đổi kế hoạch Đại hội là chưa đủ điều kiện tổ chức theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Tuy nhiên, sau khi vỡ mốc kế hoạch tổ chức Đại hội vào tháng 9/2019, cho đến thời điểm này, Vinalines vẫn chưa có thông báo mới gửi trực tiếp các cổ đông hoặc đăng tải trên website www.vinalines.com.vn.

Càng lâu càng phức tạp

Không chỉ gặp khó trong việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu, kể từ năm 2014 đến nay, phương án cổ phần hóa của Vinalines cũng phải trải qua 3 lần thay đổi.

Trong phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2018, công ty mẹ - Vinalines có vốn điều lệ là 14.046 tỷ đồng, tương đương 1,4046 tỷ cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần); hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ - Vinalines là Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 2% vốn điều lệ.

Do không chọn được cổ đông chiến lược, nên vào đầu tháng 8/2018, Bộ Giao thông - Vận tải phải ra quyết định điều chỉnh số lượng cổ phần IPO. Theo đó, chuyển số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược (khoảng 207,8 triệu cổ phần) thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng.

Trong quá trình bán cổ phần, Vinalines bị ế rất nặng số lượng cổ phần bán đấu giá công khai và cổ phần bán cho người lao động theo phương án được duyệt. Cụ thể, cổ phần bán cho người lao động chỉ đạt 0,033%/0,16%; bán đấu giá công khai chỉ đạt 0,452%/34,8% vốn điều lệ. Như vậy, số lượng cổ phần thực tế bán bao gồm số cổ phần do Nhà nước nắm giữ trước đó là 1.200,58 triệu cổ phần.

Theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, trường hợp không bán hết cổ phần theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, doanh nghiệp cổ phần hóa phải điều chỉnh vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ.

Ngày 11/6/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 34/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa DNNN và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần quy định “số cổ phần bán được là số cổ phần phát hành thêm theo phương án cổ phần hóa đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt”.

Nếu đối chiếu theo Thông tư số 34/2019/TT-BTC thì sau khi hoàn tất cổ phần hóa, Công ty mẹ - Vinalines sẽ có số vốn điều lệ là 12.005,8 tỷ đồng, tương đương 1.200,58 triệu cổ phần phát hành lần đầu, trong đó cổ đông nhà nước nắm 99,469% vốn điều lệ; người lao động và tổ chức công đoàn nắm 0,08% vốn điều lệ; cổ đông bên ngoài nắm 0,452% vốn điều lệ.

Điều đáng nói là, toàn bộ việc bán cổ phần của Công ty mẹ - Vinalines diễn ra trước khi Thông tư số 34/2019/TT-BTC có hiệu lực, trong khi Thông tư số 40/2018/TT-BTC lại không quy định rõ việc xác định số phần bán thuộc phần vốn phát hành thêm hay thuộc phần vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Vinalines, đã xuất hiện thêm tình huống mới là Tổng công ty bỏ hơn 400 tỷ đồng mua lại 75,01% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành để nắm chi phối Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn - đơn vị không có tên trong danh mục công ty con, công ty liên kết trong phương án cổ phần hóa.

“Những tình huống phát sinh này vẫn đang phải chờ cấp có thẩm quyền cho ý kiến, nên việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Vinalines chưa thể thực hiện, dù Tổng công ty rất muốn sớm kết thúc để bước sang giai đoạn hoạt động mới”, một lãnh đạo Vinalines cho biết.

Tính đến ngày 30/10/2019, thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty mẹ - Vinalines đã kéo dài gần 12 tháng kể từ thời điểm hoàn thành bán cổ phần lần đầu, trong khi tại khoản 1, Điều 14, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định “trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Trắc trở ngã rẽ mới của Vinalines
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - đơn vị nắm đội tàu biển lớn nhất nước và hệ thống cảng biển trọng yếu trải dài từ Bắc tới Nam - sắp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư