Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VPBank sẽ giải quyết sạch nợ tại VAMC trong năm 2019
Hà Nguyễn - 26/04/2019 16:26
 
Ngoài việc đặt mục tiêu đạt tăng trưởng doanh thu cao, Đại hội đồng cổ đông thường niên VPBank năm 2019 cũng chia sẻ kế hoạch giải quyết sạch nợ tại VAMC.
.
.

Chiều ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019.

Một trong những nội dung được ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nhấn mạnh, đó là năm nay, VPBank kiên quyết giải quyết sạch nợ tại VAMC.

Cuối năm 2018, khoản nợ của VPBank tại VAMC là hơn 3.100 tỷ đồng, tuy nhiên, sau quý I/2019, khoảng 25% trong số này đã được giải quyết. Điều này khiến ông Vinh tin tưởng, kế hoạch giải quyết sạch nợ tại VAMC của VPBank trong năm nay là khả thi.

Đại diện của VPBank cũng cho biết, tất cả khoản nợ trên 180 ngày sẽ được trích lập dự phòng theo chuẩn quốc tế. “Quỹ dự phòng của VPBank đủ lớn để đảm bảo rủi ro ngân hàng đang gánh hiện nay, không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của ngân hàng”, ông Vinh khẳng định.

Trong khi đó, liên quan kế hoạch kinh doanh năm 2019, báo cáo Đại hội đồng cổ đông, ông Vinh cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục chương trình chuyển đổi và cải cách, tập trung nâng cao hiệu quả đội ngũ quản lý vốn, quản lý tài sản.

Mục tiêu doanh thu sẽ tiếp tục được đặt ra ở mức cao, khoảng 20%; tín dụng tăng trưởng trên dưới 15%.

Về mục tiêu lợi nhuận trước thuế, năm nay VPBank đặt kế hoạch 9.500 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với năm 2018. Mức tăng trưởng này, theo ông Vinh, nhìn thì thấp nhưng thực ra trừ đi khoản thu nhập bất thường của năm 2018 đến từ bảo hiểm AIA (hơn 800 tỷ đồng) thì vẫn đạt mức tăng 14%.

Thêm nữa, trong cơ cấu lợi nhuận của VPBank, thì ngân hàng mẹ vẫn sẽ có mục tiêu tăng trưởng hơn 20%, từ hơn 4.000 tỷ đồng lên 5.300 tỷ đồng.

Phần còn lại, khoảng 4.200 tỷ đồng, sẽ thuộc về phần đóng góp của FE Credit, vốn lâu nay vẫn được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của VPBank. Năm 2018, FE Credit có tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên, theo ông Vinh, FE Credit vẫn là mô hình kinh doanh hiệu quả của VPBank trong năm 2019 và các năm tiếp theo. FE Credit sẽ tiếp tục có đóng góp lớn cho doanh thu và lợi nhuận của VPBank.

Báo cáo Đại hội đồng cổ đông, ông Vinh cũng cho biết, năm 2018 là một năm quan trọng đối với sự phát triển của ngân hàng, bởi đây là năm đầu tiên VPBank thực hiện chiến lược phát triển mới.

Tuy các kết quả kinh doanh năm 2018 đều không đạt mục tiêu đề ra, chỉ trên dưới 90% song vẫn là một kết quả kinh doanh tốt trong bối cảnh khó khăn chung.

Kết thúc năm 2018, VPBank đạt tổng tài sản hơn 323 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2017. Dư nợ cấp tín dụng bao gồm cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp tăng 17,3%. Huy động vốn đạt mức tăng trưởng 17,33%, trong đó tiền gửi của khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10%, chiếm 61% tổng nguồn vốn.

Vốn chủ sở hữu tăng 17% lên hơn 34.750 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn CAR là 12,3% và nếu tính theo chuẩn Basel II thì đạt 11,2% - cao hơn rất nhiều so với lần lượt 9% và 8% quy định tối thiểu.

Theo ông Vinh, năm 2018, tuy lợi nhuận của ngân hàng chỉ đạt 9.200 tỷ đồng, dù thấp hơn so với kế hoạch, song vẫn tăng 17% so với năm 2017 và quan trọng, vẫn đứng thứ 4 trên thị trường.

VPBank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận chỉ 9.500 tỷ đồng trong năm 2019
Có vẻ khá thận trọng, VPBank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng trong năm 2019. Mục tiêu này thậm chí còn thấp hơn mục tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư