Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Vũ khí bí mật trong điều hành tỷ giá
Hà Tâm - 28/04/2017 08:53
 
Vũ khí bí mật và quan trọng nhất trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là khối lượng giao dịch ngoại tệ và tỷ giá bình quân giao dịch trong ngày.

Tỷ giá có thực sự căng?

Những ngày qua, tỷ giá trên thị trường tăng nhiều phiên liên tiếp khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Có thời điểm, giá USD trên thị trường chạm mốc 23.000 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá đã tăng khoảng 1%. Phải chăng, nguồn cung ngoại tệ đang có dấu hiệu căng thẳng?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho hay, sở dĩ Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá trung tâm những ngày vừa qua là để đẩy mạnh mua vào nhằm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, trong khi cung - cầu USD trên thị trường hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu đột biến.

ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá với cơ chế tỷ giá trung tâm lên, xuống linh hoạt.  Trong ảnh: Biểu đồ tỷ giá hạch toán ngoại tệ tiền đồng và một số ngoại tệ do Bộ tài chính công bố hàng tháng.
Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá với cơ chế tỷ giá trung tâm lên, xuống linh hoạt.

“Cứ 7 giờ tối hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước lại tính toán khối lượng giao dịch ngoại tệ và tỷ giá liên ngân hàng bình quân của ngày hôm đó. Tỷ giá bình quân tăng cao chứng tỏ nhu cầu tăng, tỷ giá bình quân thấp chứng tỏ nhu cầu giảm. Thời gian qua, yếu tố này được Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất chặt và cho thấy, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn ổn định, không có dấu hiệu bất thường”, vị đại diện này nói.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá với cơ chế tỷ giá trung tâm lên, xuống linh hoạt. Theo nhận định của giới chuyên gia, tỷ giá USD trong năm nay vẫn có thể tăng 2 - 3%.

Cụ thể, ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ANZ cho rằng, tỷ giá USD sẽ vượt mức 23.200 VND/USD trong tháng 12/2017, chủ yếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD.

Tương tự, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cảnh báo, những tháng qua, dù Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá tương đối hợp lý, song sức ép tỷ giá vẫn đang lớn dần. “USD có khả năng mạnh lên khi Fed tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới, tạo thêm sức ép với Việt Nam”, ông Tuyển nói.

Dù vậy, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, tỷ giá nếu tăng cũng chủ yếu do các tác động của thế giới, còn cung - cầu trong nước sẽ không có đột biến.

Cuộc “đấu trí” của Ngân hàng Nhà nước

Dù cung - cầu ngoại tệ không tiềm ẩn bất kỳ rủi ro nào, song việc tỷ giá trên thị trường vẫn có sóng cho thấy, chính sách ngoại hối còn những điểm cần xem lại.

Đầu tiên là chính sách lãi suất huy động tiền gửi 0% áp dụng với USD. Hai năm qua, chính sách này của Ngân hàng Nhà nước đã khiến tình trạng đô-la hóa và đầu cơ ngoại tệ giảm hẳn. Khi người dân đua bán ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã mua về một lượng dữ trữ ngoại hối lớn.

Những tháng qua, dù ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tỷ giá tương đối hợp lý, song sức ép tỷ giá
vẫn đang lớn dần.

Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này là có thể làm găm giữ USD trong dân tăng lên, USD vào ngân hàng giảm đi. Kiều hối sút giảm năm qua là một ví dụ. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, năm 2017, thặng dư cán cân vãng lai là 10,5 tỷ USD, trong khi thặng dư tài khoản tài chính là hơn 19 tỷ USD. Khoản “sai số” này (lên tới gần 9 tỷ USD) là con số đáng suy nghĩ.

Theo giải thích của giới chuyên gia, không loại trừ 9 tỷ USD (không chảy vào ngân hàng) này đang được người dân găm giữ hoặc đã được chuyển ra nước ngoài đầu tư mà Nhà nước không kiểm soát được.

“Loại trừ sai số về mặt thống kê, thì ít nhất có 5 - 6 tỷ USD đang chưa biết chạy đi đâu. Đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, kể cả nghiên cứu hiệu ứng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%, nhằm đảm bảo vừa chống được đô-la hóa, vừa hút được ngoại tệ trong dân”, một chuyên gia ngân hàng phân tích.

Một yếu tố nữa có thể gây ra sóng trên thị trường ngoại tệ là dư địa cho đầu cơ tổ chức - chủ yếu là các ngân hàng thương mại - vẫn còn khá lớn. Với cơ chế tỷ giá trung tâm hiện nay, thị trường đã loại bỏ được hoàn toàn nhà đầu cơ cá nhân, song các ngân hàng vẫn được phép đầu cơ ngoại tệ ở chừng mực nhất định (quy định hiện hành về trạng thái ngoại hối là 20%).

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh kinh doanh lĩnh vực ngoại tệ. Lãi suất huy động 0% đã khiến nhiều ngân hàng có được nguồn USD dồi dào với giá rẻ. Do đó, tại những thời điểm USD trên thị trường tự do cao hơn thị trường chính thức, các ngân hàng thường có nhiều “chiêu” để kiếm lời.

Vì vậy, để tránh tình trạng ngân hàng thương mại tạo sóng, Ngân hàng Nhà nước cần đưa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do về sát nhau. Bên cạnh đó, công thức tính tỷ giá trung tâm cũng phải linh hoạt hơn, tránh bị các tổ chức tín dụng “bắt bài”.

Được biết, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đã chạy nhiều mô hình để “đoán” cách vận hành tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy vậy, vũ khí bí mật và quan trọng nhất là khối lượng giao dịch ngoại tệ và tỷ giá bình quân giao dịch trong ngày thì vẫn chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước biết.

Đừng sợ vàng, tỷ giá mới là mối lo hiện hữu
Chiến sự tại Syria đang khiến giới đầu tư vàng, USD ngồi trên chảo lửa. Ổn định thị trường ngoại hối trong nước vẫn nằm trong tầm tay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư