Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 22 tháng 02 năm 2025,
"Xanh vỏ đỏ lòng", VN-Index tiến gần hơn ngưỡng tâm lý 1.300 điểm
Tùng Linh - 21/02/2025 17:39
 
Áp lực bán dâng cao khi VN-Index tiến dần đến mốc 1.300 điểm. Cổ phiếu một số nhóm ngành có sự điều chỉnh. Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhưng giá trị bán ít hơn hôm qua.

Goá
Thị trường chứng khoán giao dịch giằng co do áp lực chốt lời 

Áp lực chốt lời sau chuỗi ngày tăng điểm khiến thị trường phiên 21/2 chịu nhiều biến động. Mở cửa trong trạng thái giằng co, chỉ số chung có thời điểm chịu lực bán mạnh nhưng nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ dòng tiền tích cực, giúp duy trì sự ổn định.

Thanh khoản trên thị trường duy trì vẫn tương đối tốt, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá lạc quan. Dù có những nhịp rung lắc, nhưng sự phân hóa giữa các nhóm ngành đã giúp chỉ số không rơi vào trạng thái điều chỉnh sâu. Các nhóm vốn hóa lớn đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng xu hướng, khi sự xoay vòng của dòng tiền diễn ra khá nhịp nhàng.

Sang đến phiên chiều, biến động trên thị trường diễn ra có phần mạnh hơn và áp lực bán cũng dâng cao khi VN-Index tiến gần đến mốc kháng cự quan trọng 1.300 điểm. Áp lực bán mạnh đã khiến VN-Index có khoảng thời gian ngắn lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, trước đà nâng đỡ của một số cổ phiếu trụ cột nên VN-Index nhanh chóng hồi phục trở lại và thậm chí tiếp tục đóng cửa ở mức cao nhất phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,77 điểm (0,29%) lên 1.296,75 điểm. HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,19%) xuống 237,57 điểm. UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (0,53%) lên 100,61 điểm. 

Áp lực bán xuất hiện nhiều hơn đã khiến số mã giảm chiếm ưu thế với 426 mã, trong khi có 364 mã tăng và 723 mã đứng giá/không giao dịch. Toàn thị trường ghi nhận 68 mã tăng trần trong khi có 23 mã giảm sàn.

Cổ phiếu Vietcombank và VietinBank kéo VN-Index tăng 

Dù có sự phân hóa tương đối mạnh, nhưng nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu trụ cột nên VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh. Trong đó, VCB là nhân tố chủ chốt giúp giữ nhịp thị trường chung. Chốt phiên VCB tăng 1,53% và đóng góp 1,87 điểm cho VN-Index. Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCB) thông báo nhận được công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Cổ phiếu của VietinBank (CTG) cũng tăng 1,59% và đóng góp 0,83 điểm cho VN-Index. Các cổ phiếu như BCM, MWG, BVH, VPB hay VNM cũng đều có mức tăng giá trên 1%.

Ở chiều ngược lại, VIC, FPT, VHM, MSN... đều đóng cửa phiên giao dịch trong sắc đỏ và gây áp lực đáng kể lên thị trường chung. FPT giảm 0,7% và lấy đi của VN-Index 0,35 điểm. VIC giảm 0,73% và lấy đi 0,27 điểm. Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn. Ở nhóm chứng khoán, các cổ phiếu như SHS, BVS, MBS, FTS, VDS... đều chìm trong sắc đỏ. SHS giảm 1,4%, BVS giảm 1,38%, MBS giảm 1%.Cổ phiếu bất động sản cũng khá tiêu cực như KDH giảm 1,6%, PDR giảm 1,3%, DXG cũng giảm 0,98%...

Trong khi đó, điểm sang lại tập trung vào một số cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng. FCN tăng gần 6%, CTD tăng 3,89%. Ngày 19/2, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 11.5 "Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình Nhà để xe" thuộc dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong đó, liên danh trúng thầu là Tổng Công ty Xây dựng số 1 – Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons – Công ty cổ phần Fecon với giá trúng thầu gần 3.144 tỷ đồng.

Giá trị bán ròng của khối ngoại giảm mạnh

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 741 tỷ đồng, tương ứng giá trị giao dịch là 15.937 tỷ đồng, giảm 2% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.467 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.070 tỷ đồng và 755 tỷ đồng.

VPB đứng đầu danh sách giao dịch toàn thị trường với giá trị 820 tỷ đồng. FPT và MWG đứng sau với giá trị lần lượt 754 tỷ đồng và 383 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 190 tỷ đồng trên toàn thị trường. FPT bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 148 tỷ đồng. KDH và STB bị bán ròng lần lượt 55,5 tỷ đồng và 52,7 tỷ đồng. Chiều ngược lại, GVR được mua ròng mạnh nhất với 38 tỷ đồng. SHB và DPM cũng được mua ròng lần lượt 37 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.

Việt Nam đăng cai hội nghị về chứng khoán lớn nhất Châu Á - Thái Bình Dương
Hội nghị Tiểu ban Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc IOSCO năm 2025 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 21/2/2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư