Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Xây dựng Chính phủ số: Hành động ngay từ bây giờ
Hữu Tuấn - 22/07/2018 09:40
 
Nếu không muốn tụt hậu và để xây dựng Chính phủ số thành công, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ.
TIN LIÊN QUAN

Estonia: 5 phút để đăng ký thành lập doanh nghiệp

Những câu chuyện thực tế và kết quả quá trình chuyển đổi số mang lại cho điều hành, quản lý tại Estonia, Malaysia… đã làm “nóng” Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2018). 

Cả khán phòng Vietnam ICT Summit 2018 bật lên tràng pháo tay khi ông Hannes Astok, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ số Estonia kết thúc phần chia sẻ về Chính phủ số tại Estonia.

.
.

Estonia, quốc gia 45.200 km2 với hơn 1,2 triệu dân đã vươn lên thành quốc gia số hoá thành công nhất thế giới. 15 năm trước, Estonia đã chi 70.000 USD để triển khai dự án Chính phủ điện tử đầu tiên. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép cử tri bỏ phiếu trực tuyến trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2007.

Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia của Estonia đã cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu với 1.500 dịch vụ trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử, số điện thoại cùng chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước. Hệ thống Thông tin phục vụ họp Chính phủ và Hệ thống Tham vấn chính sách giúp các cơ quan đầu não có thể theo dõi, quản lý lịch họp, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng.

Các hệ thống này giúp tăng hiệu quả, giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp. Có những cuộc họp của Chính phủ Estonia diễn ra trong khoảng 30 phút, thậm chí, cuộc họp ngắn nhất chỉ kéo dài 1 phút.

“Hiện nay, mỗi năm, Chính phủ số cung cấp 500 triệu chữ ký số, mang lại 1 tỷ euro cho đất nước. 95% người dân Estonia thực hiện việc kê khai hoàn thuế thu nhập hằng năm qua mạng và việc này chỉ mất khoảng 5 phút. 5 phút cũng cũng là thời gian để đăng ký thành lập doanh nghiệp thành công ở Estonia”, ông Hannes Astok cho biết.

Tại Diễn đàn, ông Idris Jala, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn toàn cầu Pemandu chia sẻ việc thực thi triển khai chính phủ điện tử tại Malaysia và 10 quốc gia khác dựa trên mô hình Pemandu. Qua gần 10 năm, Pemandu đã giúp Malaysia tạo ra được 2,6 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách từ 6,6% xuống còn hơn 3%, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 5,9% và tổng thu nhập quốc dân trên đầu người đạt hơn 10.000 USD.

Còn tại Hàn Quốc, việc áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp tiết kiệm 8 tỷ USD mỗi năm. Chính phủ Hàn Quốc còn đi đầu trong xu thế “3 không”: không giấy tờ, không bảo vệ (kiểm soát bằng dấu vân tay) và không có khiếu nại.

Việt Nam có thể làm ngay

Kết thúc câu chuyện của mình bằng dòng chữ “Vietnam can do”, ông Hannes Astok cho rằng, Việt Nam có thể thực hiện Chính phủ số và cần làm ngay.

Phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại. Đó là thời đại số, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ lên hoạt động của Chính phủ và toàn xã hội. Đây chính là cơ hội lịch sử, song đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. “Phải bắt tay vào ngay, hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách trên 4 yếu tố nền tảng (đột phá về thể chế; phát triển, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển nguồn nhân lực) và 4 trụ cột chuyển đổi, mà trụ cột đầu tiên và quan trọng nhất là Chính phủ số.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, để xây dựng thành công Chính phủ số, cần quyết tâm của cả hệ thống, có kế hoạch chi tiết, đủ nguồn lực và cơ chế đảm bảo thực thi.

“Chúng ta cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và phải làm ngay, làm quyết liệt”, ông Bình nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư