Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng Nam Đàn thành huyện điểm văn hoá của Nghệ An
Quỳnh Trang - 07/08/2015 13:58
 
Xác định xây dựng và phát triển đời sống văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cả hệ thống chính trị, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã tích cực phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực bên ngoài để đưa phong trào phát triển ngày càng sâu rộng.
Lễ hội Vua Mai được huyện Nam Đàn tổ chức hàng năm
Lễ hội Vua Mai được huyện Nam Đàn tổ chức hàng năm

 

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, huyện Nam Đàn đã được UBND tỉnh Nghệ An chọn làm huyện điểm văn hoá của cả tỉnh. Cấp ủy, chính quyền huyện Nam Đàn đã xác định phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về xây dựng gia đình văn hoá, nếp sống văn hoá, môi trường văn hoá, thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, tập trung cho nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng con người.

Lãnh đạo huyện luôn chú trọng phát huy những giá trị tốt đẹp về truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước. Để đạt được hiệu quả thiết thực, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến xã, cơ quan, đơn vị của Nam Đàn luôn quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhân tố con người, kết hợp nhuần nhuyễn việc “xây” và “chống”, quan tâm bồi dưỡng, cổ vũ, tôn vinh gương người tốt, việc tốt gắn với kiên trì đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình".

Huyện đã phát động và tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, từ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong các tầng lớp nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiêu biểu như phong trào “Lao động sản xuất kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gương sáng Bộ đội Cụ Hồ”, “Cháu  ngoan Bác Hồ”...

Huyện Nam Đàn đã tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến các xã, thị trấn. Ban hành các cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực, sức mạnh của cộng đồng để xây dựng các công trình thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ. Nếu như năm 1998, tổng diện tích đất dành cho hoạt động văn hóa, thể thao là 279.684 m2 cấp xã và 222.060 m2 cấp xóm, thì đến nay đã tăng lên 334.046 m2 đất thể thao cấp xã và 541.998 m2 đất thể thao xóm, khối.

Nhiều sân vận động, thư viện, trung tâm huấn luyện cộng đồng, phòng truyền thống, thư viện huyện; nhà văn hóa, sân chơi thể thao các xã, thị trấn và khối xóm đã được nâng cấp hoặc xây mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Toàn huyện có 330/330 xóm, khối có nhà văn hoá, trong đó 205 xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn.

Song hành với việc hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, thì lĩnh vực bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng cũng được huyện Nam Đàn quan tâm. Trong những năm gần đây, huyện đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận thêm 10 di tích lịch sử văn hoá, đưa số di tích được công nhận trong huyện lên con số 30, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia.

Bên cạnh việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thì hoạt động xã hội hóa của Nam Đàn cũng góp phần thiết thực trong việc trùng tu, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hoá. Nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa như: miếu Thống Chinh ở xã Nam Lộc, đền Trầm Một ở xã Nam Thượng, đền thờ thân mẫu Vua Mai ở xã Nam Thái, đền thờ thánh Hồng Sơn ở xóm Bắc Sơn 1, xã Nam Hưng...

Các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Huyện đã tích cực phối hợp với các ngành cấp tỉnh tổ chức tốt các lễ hội, hội diễn, thực hiện việc bảo tồn và đưa dân ca ví dặm vào trường học. Từ năm 2012, huyện đã triển khai cuộc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Kết quả, có 81 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 9 loại hình được kiểm kê, lập danh sách đề nghị tỉnh công nhận. Các lễ hội truyền thống được tổ chức ngày càng có quy mô và chất lượng hơn, đã để lại những dấu ấn tốt trong lòng du khách thập phương.

Ông Phạm Xuân Quang, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn chia sẻ: “Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng trong huyện đã kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong giao tiếp, ứng xử thể hiện tình cảm mến khách, chân thành, thân thiện đối với mọi người dân và du khách khi về thăm Nam Đàn”.

Có thể nói, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện đã tạo nên môi trường văn hoá lành mạnh, làm cho mỗi gia đình thêm hạnh phúc, mỗi thôn, mỗi đơn vị, trường học thêm văn minh tiến bộ.

Để tiếp tục duy trì được kết quả đó, Nam Đàn phấn đấu  thực hiện tốt công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hoá, thể thao đồng bộ. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; gắn việc thực hiện xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh với Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Bảo tồn, tu bổ, quản lý và phát huy các giá trị văn hoá của các di tích gắn với phát triển du lịch.

Phát triển du lịch từ văn hóa dệt thổ cẩm
Những thành công của điểm du lịch bản Lác đã khởi đầu cho hàng loạt điểm du lịch mới, với mô hình lấy văn hóa đặc trưng của từng dân tộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư