Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng nông thôn mới bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
Thanh Huyền - 11/10/2018 11:22
 
Sáng 11/10, tại tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội thảo Xây dựng nông thôn mới bền vững hướng tới từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai ở khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, trong 8 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, làm cho bộ mặt nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố.

Tính đến tháng 9/2018, cả nước đã có 3.542 xã (39,7%) đạt chuẩn nông thôn mới; 55 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; số xã dưới 5 tiêu chí là 80 xã (0,9%); số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 14,33 tiêu chí/xã.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, tính toán của các nhà khoa học cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (năm 2017, 2018), nhiều đợt thiên tai dị thường xảy ra liên tục trên khắp các vùng, miền trong cả nước.

Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích; thiệt hại kinh tế trung bình khoảng trên 17.000 tỷ đồng (tương đương 876 triệu USD) và có xu thế ngày càng gia tăng, năm 2013 là 28.000 tỷ đồng; năm 2016 là 40.000 tỷ đồng.

Những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và thiên tai dẫn tới kết quả và giá trị mà Chương trình Nông thôn mới đã đạt được có nguy cơ bị ảnh hưởng, thậm chí bị kéo lùi lại ở một vài địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tiến phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Minh Tiến phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã lắng nghe ý kiến thảo luận của đại diện các địa phương vùng núi phía Bắc gồm Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên… và ý kiến, giải pháp từ các chuyên gia.

Các ý kiến góp ý cho rằng, giải pháp trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là cần nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động ứng phó và giảm nhẹ rủi ro do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; rà soát, bổ sung các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kỹ thuật trong xây dựng và phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng hướng dẫn và đẩy mạnh lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, dự án, kế hoạch hoạt động cụ thể của ngành…

Theo đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cần rà soát, điều chỉnh và quản lý quy hoạch các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, cần tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ và nông dân về các hoạt động thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong đó ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động liên kết vùng, các lĩnh vực trong triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng sinh thái ven sông, ven biển, lưu vực và các vùng sinh thái tiếp giáp.

Ông Nguyễn Minh Tiến kỳ vọng, thông qua các ý kiến góp ý tại hội thảo, trao đổi kinh nghiệm quốc tế cũng như các mô hình được thí điểm sắp tới đây, sẽ giúp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đề xuất được các giải pháp tổng thể, bài bản hơn, qua đó từng bước phòng chống thiên tai ngay từ cộng đồng.

Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước hoàn chỉnh các văn bản, tài liệu hướng dẫn để không chỉ phục vụ chương trình nông thôn mới giai đoạn từ nay đến 2020 bền vững hơn, mà còn xác định rõ định hướng chương trình từ sau năm 2020 trên cơ sở khẳng định được kết quả bền vững từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Khoa học và công nghệ đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 5 năm triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ vào quá trình xây dựng nông thôn mới, các mô hình sản xuất mới đã được ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư