Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Xem xét ưu đãi thuế TNDN với dự án đầu tư mở rộng
Thanh Vũ - 25/03/2013 08:00
 
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tìm đến Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) bày tỏ bức xúc vì không còn được hưởng ưu đãi thuế khi đầu tư mở rộng.
TIN LIÊN QUAN

Bên lề buổi đối thoại giữa ngành thuế TP.HCM với doanh nghiệp diễn ra cuối tuần trước, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM trao đổi thêm về vấn đề này.

Thưa bà, Cục Thuế Thành phố quan điểm ra sao trước bức xúc nêu trên của các doanh nghiệp FDI?

Trước ngày 1/1/2009, doanh nghiệp sản xuất mới thành lập hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động có dự án đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, đáp ứng các điều kiện ưu đãi về thuế theo quy định đều được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Thế nhưng, từ ngày 1/1/2009, chỉ có cơ sở sản xuất mới thành lập từ các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc địa bàn có kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích đầu tư như công nghệ cao, phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật (nhà máy nước, điện, cầu cống…) mới được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế TNDN.

Cục Thuế TP.HCM đã ghi nhận kiến nghị nêu trên của doanh nghiệp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Cụ thể, chính sách ưu đãi đã tạm ngưng là gì?

Theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, từ ngày 11/1/2007, các doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động kinh doanh dệt may đang trong thời gian thực hiện ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu phải chấm dứt các ưu đãi này từ kỳ tính thuế năm 2007. Đối với thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác, thì các ưu đãi về thuế TNDN do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu chấm dứt từ năm 2012.

Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007, Thông tư 199/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính, thì khi chấm dứt các ưu đãi do đáp ứng điều kiện xuất khẩu, các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN, nếu đáp ứng điều kiện ưu đãi khác, ngoài điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu như sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Như vậy, các doanh nghiệp không phải hoàn toàn không được hưởng ưu đãi thuế TNDN, mà chuyển sang hưởng ưu đãi theo điều kiện khác. Thực tế, có doanh nghiệp vẫn được tiếp tục áp dụng mức thuế TNDN ưu đãi 10%, có doanh nghiệp được chuyển sang áp dụng mức 15% hoặc 18%...

Tháng 5 tới, Quốc hội có thể thông qua quyết định khôi phục chính sách ưu đãi thuế TNDN cho dự án đầu tư mở rộng. Bà có thể cho biết rõ hơn về thông tin này?

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII tại Kỳ họp thứ ba, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN (dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014), trong đó có việc khôi phục ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng.

Tuy nhiên, trước khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu, trong đó có giải pháp về thuế để giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm.

Vì vậy, sắp tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện việc ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN từ ngày 1/7/2013, tức là sớm hơn 6 tháng so với dự kiến. Thời gian miễn, giảm thuế áp dụng đối với đầu tư mở rộng bằng thời gian miễn, giảm thuế áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới cùng địa bàn lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư