Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Xi măng Fico trước nguy cơ tuột dốc
Trung Kiên - 29/05/2013 07:40
 
Là một trong số ít dự án xi măng hoạt động đạt hiệu quả cao, nhưng Công ty cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh khó giữ được kết quả kinh doanh ấn tượng, khi chưa giải quyết được những khó khăn về nguyên liệu đầu vào.
TIN LIÊN QUAN

Khu vực bãi chứa 48 ha của Dự án Xi măng Tây Ninh I đang chờ được cấp phép

Đầu xuôi mà đuôi chưa lọt

Năm 2012, Fico Tây Ninh có kết quả sản xuất, kinh doanh khá ấn tượng, với tổng doanh thu 2.200 tỷ đồng, lãi lũy kế trên 45 tỷ đồng.

Trong khi một số nhà máy khác phải giảm công suất do dư nguồn cung trên thị trường, thì Fico Tây Ninh chạy vượt công suất thiết kế (1,65/ 1,5 triệu tấn).

Mặc dù nhà máy mới đi vào hoạt động từ tháng 12/2009, nhưng chỉ sau 3 năm, Fico Tây Ninh đã định vị được thương hiệu tại thị trường phía Nam.

Tuy nhiên, Fico Tây Ninh sẽ khó giữ được “thế trận” trên, khi nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất như đá vôi, sét, được khai thác tại chỗ, đang có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng. Nếu mua nguyên liệu từ nơi khác chuyển đến, thì chi phí sản xuất sẽ tăng, dẫn đến giảm lợi nhuận. Hơn nữa, phương án tăng vốn từ các cổ đông để giảm chi phí vốn có thể không được chấp thuận.

Theo kịch bản đối phó với dư nguồn cung và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao (Fico Tây Ninh vẫn phải vay vốn huy động với lãi suất 13 - 14%/năm), HĐQT Công ty đã thống nhất lộ trình tăng vốn từ các cổ đông lớn. Tuy nhiên, một cổ đông lớn của xi măng Fico cho rằng, nếu chỉ vì khai thác mỏ mà ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, thì họ khó chấp nhận. Hơn nữa, trước khi góp vốn, Dự án đã nêu rất rõ là có 105 ha mỏ được cấp, nhưng hiện mới chỉ được cấp phép khai thác trên 40 ha.

Về việc Fico chưa được cấp phần mỏ còn lại, ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Phó tổng giám đốc Fico, Giám đốc Nhà máy Xi măng Tây Ninh cho biết, vì mỏ khai thác chìm, nên phải bóc một lượng đất tầng phủ, sét, cát và đá Dolomit lớn, trong khi bãi chứa chưa đáp ứng đủ. Hơn nữa, việc khai thác chìm lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, nên chưa lường hết các khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa.

Trước những khó khăn trên, Fico đã lập các thủ tục xin cấp thêm 48 ha mặt bằng (đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2006 - 2010 và đã được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương cấp cho từ năm 2011), để làm bãi chứa và phối trộn, nhằm đủ điều kiện xin cấp phép khai thác và đầu tư mở rộng phần diện tích 41 ha còn lại (diện tích này đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng phê duyệt cấp trữ lượng).

Nhiều mối lo

Điểm khác biệt lớn nhất giữa xi măng Fico so với các nhà máy xi măng khác là công đoạn khai thác nguyên liệu. Nhưng do Xi măng Fico khai thác chìm, nên chi phí khai thác nguyên liệu lớn hơn so với các nhà máy xi măng khai thác lộ thiên.

Ngoài ra, Xi măng Fico nằm trong vùng “nhạy cảm” là rừng phòng hộ Dầu Tiếng nên có ý kiến lo ngại về việc mở rộng diện tích của Xi măng Fico sẽ ảnh hưởng đến khu rừng nguyên sinh này. Tuy nhiên, để bù đắp diện tích đất rừng phòng hộ mà Dự án Xi măng Fico sử dụng, tỉnh Tây Ninh đã kịp trồng mới gấp 5 lần.

Phóng viên Báo Đầu tư đã “mục sở thị” khu vực 48 ha làm bãi chứa của Dự án Xi măng Tây Ninh I thuộc đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Trên thực tế, xung quanh khu vực này không còn là rừng nguyên sinh nữa, mà là rừng nghèo. Tuy nhiên, phần bãi chứa 48 ha lại chưa được Chính phủ phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Tây Ninh giai đoạn 2011-2020, nên Công ty đành phải “chờ”.

Lo ngại lớn nhất của Xi măng Fico hiện nay là trong vài năm tới, nếu khai thác nguyên liệu khó khăn thì chất lượng đầu vào không ổn định, sẽ dẫn đến các sự cố khi vận hành thiết bị. Mỗi lần gặp sự cố, phải dừng lò đột ngột, thì việc đốt lại lò mất khoảng 2 tỷ đồng chi phí, chưa kể đến việc nếu vỡ gạch, thì phải đợi lò nguội để xây lại.

“Gạch kiềm tính cho xi măng không phải lúc nào cũng sẵn, vì phải đặt hàng. Gạch này sử dụng có thời hạn và trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các nhà máy chỉ dự trữ đủ gạch cho việc dừng lò theo kế hoạch”, giám đốc một công ty xi măng nói về sự cố thiết bị.

Trong khi bối cảnh thị trường xi măng trong năm 2013 được dự báo là không mấy khả quan, mức tiêu thụ chỉ bằng năm 2012, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sản xuất, nếu chưa giải quyết được những khó khăn liên quan đến nguyên liệu khai thác tại chỗ, thì khả năng tuột dốc của Xi măng Fico là không thể tránh khỏi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư