Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 01 năm 2025,
Xuất khẩu vẫn khó khăn, thặng dư thương mại đạt gần 10 tỷ USD
Hà Nguyễn - 29/05/2023 17:08
 
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 5 tháng vẫn giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%, nhập khẩu giảm 17,9%. Trong khi đó, thặng dư thương mại đạt gần 10 tỷ USD.

Tình hình có vẻ khởi sắc hơn trong tháng Năm, khi theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn giảm tới 12,3%. Thậm chí, tính chung 5 tháng, mức giảm còn lớn hơn - 14,7%, chỉ ước đạt 262,54 ỷ USD. Điều này cho thấy, thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, và nguyên nhân chủ yếu vẫn là do kinh tế toàn cầu khó khăn, cầu tiêu dùng giảm.

Cầu giảm nên kể từ cuối năm ngoái, xuất nhập khẩu đã bắt đầu giảm. Tháng Năm, tình hình tích cực hơn, nên xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,79 tỷ USD, tăng 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,26 tỷ USD, tăng 5,5%.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Năm giảm 5,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 5,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.

Thiếu đơn hàng, xuất khẩu hàng dệt may sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%.

Tuy nhiên, 6/7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực này có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện ước đạt trên 21,173 tỷ USD, giảm 16%; điện tử, máy tính và linh kiện là 20,328 tỷ USD, giảm 9,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 16,552 tỷ USD, giảm 5,1%.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 12,32 ty USD, giảm 17,8%; giày dép đạt 8,182 tỷ USD, giảm 13,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 5 tỷ USD, giảm 28,7%. Chỉ có phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,428 tỷ USD, tăng 12,5%.

Việc kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,31 tỷ USD, tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỷ USD, tăng 7,8%.

Với kim ngạch nhập khẩu, tình hình cũng không khác so với xuất khẩu. Bởi nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Năm giảm 18,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 24,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,7%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,95 tỷ USD, giảm 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,42 tỷ USD, giảm 17,5%.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 24 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,6%.

Nhập khẩu giảm mạnh chủ yếu là do giảm nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Vì thế, đây là điều cần phải quan tâm.

Vì nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, nên cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư. Con số của 5 tháng ước khoảng 9,8 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,76 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,56 tỷ USD.

Xuất siêu lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xuất khẩu giảm là điều đáng lưu tâm. Điều này cho thấy sự suy giảm của động lực tăng trưởng. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ đã nhấn mạnh điều này.

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 31,2 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%; xuất siêu sang Nhật Bản 521 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 564 triệu USD).

Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỷ USD, giảm 16,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 10,8 tỷ USD, giảm 38,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,4 tỷ USD, giảm 41,3%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư