Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bí mật vở kịch Sự kiện Vịnh Bắc Bộ ở Biển Đông 50 năm trước
Nguyễn Huy Thục - 03/08/2014 07:03
 
() Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt” và sụp đổ của chế độ Việt Nam cộng hòa, những người cầm đầu nước Mỹ “nháo nhào” bàn mưu tính kế chặn nguồn tiếp viện từ hậu phương lớn miền Bắc. Và Hải quân Mỹ là đơn vị được “đặt hàng” để dàn dựng kịch bản "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" vào đầu tháng 8/2014, tạo ra một “chứng cớ thuyết phục” để quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết mở rộng cuộc chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân. 
TIN LIÊN QUAN

Sau Hội nghị Giơnevơ (7/1954), Mỹ dựng lên Chính phủ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Mỹ, quân đội và cảnh sát Việt Nam cộng hòa thẳng tay truy lùng, bắt bớ, chém giết, giam cầm những người kháng chiến cũ, triệt phá cơ sở cách mạng, đàn áp phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi Tổng tuyển cử thống nhất đất nước của quần chúng yêu nước miền Nam. Với cuộc chiến tranh một phía này, chúng đã gây ra những tổn thất hết sức nặng nề cho cách mạng miền Nam.

Tuy nhiên, với truyền thống quật khởi của thành đồng Tổ quốc, toàn thể nhân dân miền Nam đã anh dũng đứng lên phản kháng lại hành động bạo ngược của quân thù, mà đỉnh cao là cuộc “Đồng khởi” (1959 - 1960), phá rã từng mảng lớn hệ thống chính quyền cơ sở, giải phóng nhiều vùng đất đai và dân cư rộng lớn; đẩy chính quyền Việt Nam cộng hòa đến trước bờ vực sụp đổ hoàn toàn.

Để cứu vãn tình thế nguy cấp này, giới cầm quyền Mỹ đã buộc phải “lộ mặt”, triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” - một trong những bộ phận quan trọng của chiến lược quân sự toàn cầu “Phản ứng linh hoạt”, do Taylo khởi thảo (1956), Kennơđi chấp thuận và đưa vào thực hiện thử nghiệm ở Việt Nam (1961). Một cuộc chiến tranh thực thụ do quân đội Việt Nam cộng hòa tiến hành với ngân sách, vũ khí của Mỹ và đặt dưới sự điều hành của cố vấn Mỹ đã chính thức bắt đầu.

Nhưng với cuộc “Đồng khởi”, cách mạng miền Nam đã có bước chuyển chiến lược, song do tương quan lực lượng giữa ta và địch còn chênh lệch lớn, nhất là về quân sự, nên những năm đầu chống “Chiến tranh đặc biệt”, chúng ta tiếp tục bị thêm những tổn thất nặng nề.

Tuy nhiên, từ khi nhận được sự chi viện nhân vật lực ngày mỗi tăng từ hậu phương lớn miền Bắc qua hai tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn (559) và trên biển Đông (759), thế và lực nhanh chóng được cải thiện, quân và dân ta ở miền Nam đã chủ động tiến công, đánh bại các thủ đoạn chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận”, tiêu hao và tiêu diệt những bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, mở ra thời cơ thuận lợi và hậu thuẫn trực tiếp cho quần chúng nổi dậy chống bình định, phá banh, phá rã từng mảng lớn Ấp chiến lược - “xương sống” của “Chiến tranh đặc biệt”.

Thất bại lớn trên chiến trường cũng là nguyên nhân đẩy nội bộ giới chức cầm quyền Nam Việt Nam chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc; Mỹ và chính quyền Sài Gòn bất hòa đến đỉnh điểm. Nhà Trắng và Lầu Năm góc quyết định “thay ngựa giữa dòng” - làm đảo chính, giết chết Diệm và Nhu, lật đổ thể chế Đệ nhất Việt Nam cộng hòa. Đây là những yếu tố góp phần đẩy “Chiến tranh đặc biệt” đến cận bờ vực phá sản.

Để tìm cách cứu vãn tình thế, Tổng thống Níchxơn và nhóm cộng sự đắc lực và tin cậy đã phải ngồi lại để bàn mưu, tính kế đối phó. Qua nghiên cứu các văn bản báo cáo từ Sài Gòn gửi về, đặc biệt là đánh giá của Mắc Namara sau chuyến thị sát miền Nam Việt Nam (cuối 1963), rằng: Tình hình xấu đi từng ngày. Việt cộng ngày càng mở rộng vùng ảnh hưởng nhất là ở nông thôn… Trong tháng 12-1963, quân đội Sài Gòn phải bỏ số đồn bốt nhiều hơn cả hai năm 1962 và 1963 cộng lại…

Về nguyên nhân của tình trạng này, Giônxơn và các thuộc hạ đều thống nhất nhận định: Việt cộng không ngừng lớn mạnh vì họ có một nguồn tiếp tế lớn cả về người tăng viện và vũ khí chi viện. Nguồn đó là Bắc Việt. Phải đánh vào đó, đánh tận gốc. Phải gây sức ép, tạo không khí căng thẳng trên đất Bắc Việt để hỗ trợ tinh thần cho đồng minh ở Nam Việt Nam. Phải làm sao thực hiện bằng được mục tiêu chủ yếu của chính sách Mỹ ở Đông Nam Á là đánh thắng Cộng sản ở Việt Nam. Ngay lập tức, người đứng đầu Nhà Trắng và cộng sự đã soạn thảo ra một kịch bản với nội dung gồm ba bước.

Bước 1, dùng máy bay trinh sát chiến lược U2 do thám Bắc Việt Nam, các đội biệt kích nhảy dù hoặc đột nhập từ biển vào nhằm phá hoại cơ sở kinh tế, bắt cóc công dân ta để khai thác tin tình báo. Đây thực chất là kế hoạch mang mật danh 34A, tiến hành trong suốt năm 1964 - một sự tiếp nối các hoạt động phá hoại của CIA ở miền Bắc Việt Nam những năm 1961 - 1963, phục vụ cho “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam và là bước chuẩn bị cho chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân đối với miền Bắc Việt Nam.

Bước 2, dùng tàu chiến tuần tra vùng biển Vịnh Bắc Bộ, nhằm phát hiện hệ thống Rađa, chụp ảnh và vẽ sơ đồ toàn bộ vùng bờ biển miền Bắc Việt Nam, giám sát sự đi lại của các tàu thuyền, phát hiện các tần số sóng Rađiô của đối phương, đồng thời hỗ trợ cho kế hoạch 34A. Đây chính là kế hoạch mang mật danh DeSoto.

Bước 3, phản ứng nhanh chóng và kiên quyết nếu Bắc Việt coi 34A và DeSoto là hoạt động khiêu khích và đối phó lại. Theo dự kiến, bước 3 được bắt đầu bằng việc ném bom các nút giao thông trên biên giới Việt - Lào, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tiến công miền Bắc Việt Nam bằng không quân trên quy mô lớn.

Cụ thể, trên tấm bản đồ kế hoạch mang mật danh “R6”, mà tác giả của nó là Rốt xtâu đã xác định rõ 94 mục tiêu, gồm những nút giao thông, bến cảng, cầu cống, kho tàng, hải đảo, các thị trấn, thị xã và cả những thành phố lớn... (sau đó được chính thức thông qua ngày 17-4-1964, tại cuộc họp được tổ chức tại Sài Gòn do Ngoại trưởng Đin rơt xcơ điều khiển).

Những quả bom đánh dấu mục tiêu trên bản đồ được coi như “những mũi tên xuyên” nhằm 5 đích: làm lung lay ý chí của đối phương; động viên tinh thần các đồng minh ở Nam Việt Nam; ngăn chặn nguồn tiếp tế Bắc - Nam; phá hoại công cuộc xây dựng của Bắc Việt Nam; cảnh cáo các nước Cộng sản đang giúp Bắc Việt Nam.

Có thể nói, đến đây “kịch bản” đã cơ bản được soạn thảo xong và được Giôn xơn chấp thuận, nhưng cũng chính ông chủ Nhà Trắng lại “băn khoăn”, rằng “Chẳng lẽ vô cớ mang bom ném xuống Bắc Việt!”. Nhất định phải tìm cho ra cớ, tìm ra lý do để quốc hội và dân chúng “phản ứng thuận lợi và chấp thuận”, đó là sự khẳng định của nhóm đồng sự giúp việc của Tổng thống.

Và, bầu không khí tại Nhà Trắng thực sự nóng lên khi Giôn xơn nhận được báo cáo của Mắc Namara và Taylo về chuyến thị sát Nam Việt Nam (3-1964), trong đó khẳng định “tình hình tồi tệ đã quá rõ ràng”, phải tiến hành ngay kế hoạch “R6” - ném bom các mục tiêu công nghiệp của Bắc Việt Nam. Lập tức, Giônxơn chỉ thị triệu tập một cuộc họp gấp để nghiên cứu cụ thể các mục tiêu tiến công và nhất là phương thức khiêu khích Bắc Việt. Phải làm sao cho họ phản ứng. Phải tạo nên cái cớ để mở đầu cuộc tiến công bằng Không quân.

Giữa lúc cái cớ chưa được tìm ra, thì ngay tại Sài Gòn, tàu sân bay Ca đơ bị đánh mìn ở cảng Sài Gòn, một đơn vị quân Mỹ bị tấn công bằng lựu đạn ở cảng Bạch Đằng, và đặc biệt nghiêm trọng là Mắc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ bị ám sát hụt trên cầu Công Lý… (5-1964).Tất thảy những sự kiện “động trời” dồn dập xảy ra tại Nam Việt Nam càng hối thúc giới cầm quyền Mỹ đẩy nhanh những toan tính ngông cuồng, xảo trá của mình.

Đó là, trong những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6-1964, theo chỉ thị của Giôn xơn, một “hội nghị chiến lược” được nhóm họp tại Hô nô lu lu, với thành phần tham gia gồm đủ mặt những “mưu sĩ hàng đầu” của Nhà Trắng và Lầu Năm góc: Đin rơt xcơ, Mắc Namara, Bân đi, Lôt giơ, Tay lơ, Oét mo len…, và cả trùm CIA Giôn Mắc côn.

Tuy chỉ diễn ra trong 3 ngày, song hội nghị đã bàn định và đưa ra đề nghị tăng viện trợ và chuẩn bị đưa quân Mỹ vào Nam Việt Nam, nhanh chóng chất đầy bom vào các căn cứ của Mỹ ở Thái Lan, trên hạm đội… chuẩn vị sẵn sàng cho cuộc tiến công Không quân ra miền Bắc Việt Nam (đây cũng chính là nội dung đề cập trong bản kiến nghị của Bân đi - còn gọi là Kế hoạch 30 ngày, gồm những chỉ tiêu cụ thể về quân sự, chính trị nhằm tăng dần sức ép đối với Bắc Việt, tiến tới đỉnh cao là những cuộc ném bom quy mô lớn của Không quân Mỹ).

Cũng tại hội nghị này, một văn bản nghị quyết (Bị vong lục của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ) đã được phác thảo để sẵn sàng đưa ra trình Quốc hội Mỹ thông qua khi tạo ra chứng cớ “thuyết phục”. Đồng thời, Giôn xơn cũng quyết định cử tướng Oét mo len sang thay tướng Hác kin làm Tổng Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam; đưa tướng Tay lơ sang thay Lốt giơ làm Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn... Như vậy, toàn bộ kịch bản đã được hoàn tất và Nhà Trắng quyết định “đặt hàng” cho Hải quân Mỹ thực hiện phần dàn dựng “màn tạo cớ”.

  Bí mật vở kịch Sự kiện Vịnh Bắc Bộ ở Biển Đông 50 năm trước  
  Khu trục Ma-đốc mang số hiệu 731 được lệnh tiến vào vùng biển Việt Nam để khiêu khích (ảnh tư liệu)  

Theo đó, đêm 30 rạng 31-7-1964, đúng vào thời điểm các tàu biệt kích Hải quân Việt Nam cộng hòa bắn phá các đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An), tàu khu trục Ma đốc tiến vào khu vực đã định trong Vịnh Bắc Bộ, thực hiện việc do thám, nhưng theo đánh giá của chỉ huy tàu Ma đốc, hành động này “chưa đủ để khiêu khích Bắc Việt phản ứng”.

Sáng ngày 1-8, khu trục Ma đốc (mang số hiệu 731) tiến vào khu vực Đèo Ngang, Hòn Ngư rồi vòng quay trở lại tiến lên phía bắc. Trước hành động ngang ngược của địch, lúc 21 giờ 22 phút cùng ngày 1-8, phân đội tàu phóng lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam (gồm 3 chiếc) được lệnh rời căn cứ tiến đến vùng biển Thanh Hóa sẵn sàng chiến đấu.

Đến 14 giờ 52 phút ngày 2-8, tàu Ma đốc xâm phạm vùng biển khu vực giữa Hòn Mê và Lạch Trường thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngay tức khắc, phân đội tàu phóng lôi của ta xuất phát tiến nhanh về hướng tàu địch. Với một phương án đã sắp đặt sẵn, pháo trên tàu và 4 máy bay địch tập trung đánh dữ dội vào đội hình tàu ta. Vượt qua lưới lửa ngăn chặn ác liệt của quân thù, các tàu của ta vẫn lao vào công kích. Tàu đi đầu trúng đạn hỏng máy, hai tàu còn lại tiếp tục băng lên phóng ngư lôi vào hướng tàu địch.

Thấy ta chống trả quyết liệt, tàu Ma đốc vội quay mũi, tháo chạy ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sự kiện này được Báo chí Mỹ ở Ha oai phản ánh ngay trong số ra ngày 2-8, nhưng các phóng viên cố tình làm cho người đọc thấy cuộc xung đột “mang tính tự phát để che dấu nguồn gốc thực sự của nó” – tức là che dấu sự khiêu khích có dụng ý của Ma đốc.

Sau đó, tuy có nhận được báo cáo từ Hô lô lu lu, nhưng Nhà Trắng vẫn dựa vào nguồn tin từ báo chí ở Ha oai để đưa ra bản thông cáo với nội dung “tàu Bắc Việt Nam đã khiêu khích tiến công tàu của Mỹ”. Dù vậy, thông tin này vẫn chưa đủ sức nặng để đưa bản Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ ra trình Quốc hội. Cay cú và tức giận, ngay trong thông cáo Báo chí của Nhà Trắng (3-8-1964), Giôn xơn và Đin rớt xcơ nhấn mạnh: “sẽ tăng thêm tàu chiến và máy bay vào công việc tuần tra. Nếu bị tấn công lần nữa Hải quân Mỹ sẽ đuổi đánh và tiêu diệt tàu Bắc Việt…”. Theo đó, Hải quân Mỹ điều thêm tàu khu trục mang tên Tơ nơ gioi tham gia vào cuộc tuần tiễu DeSoto.

Ngày 4-8-1964, hai khu trục Ma đốc và Tơ nơ gioi được lệnh tiến vào khu vực hải phận của ta ở Vịnh Bắc Bộ. Theo chỉ thị của Tổng thống Giôn xơn, Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara gửi điện ra lệnh cho Đô đốc Sáp: bằng mọi cách khiêu khích tới mức buộc tàu Bắc Việt phải nổ súng; phải làm sao để quốc hội và công chúng Mỹ thấy tàu chiến Mỹ là nạn nhân, vô cớ bị tàu Bắc Việt tiến công. Nhà Trắng cần kích động mạnh dư luận dân chúng Mỹ hơn nữa.

Như vậy, Đô đốc Sáp và hai khu trục Ma đốc, Tơ nơ gioi phải tạo cho bằng được chứng cớ theo “đơn đặt hàng” của Nhà Trắng. Và, đêm 4-8, một trận bão lớn xảy ra trên vùng Vịnh Bắc Bộ đã giúp cho Đô đốc Sáp thực hiện “xuất sắc” nhiệm vụ được giao. Từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ, một bức điện bay về Nhà Trắng, báo tin tàu chiến Mỹ bị Hải quân Bắc Việt “liên tục tiến công”(...); “hai tàu khu trục Mỹ nổ súng và sau nhiều loạt pháo, có thể các tàu của Bắc Việt đã bị bắn chìm…”.

Thiếu tướng Hải quân Hê rích - người trực tiếp chỉ huy cuộc “tuần tra” của hai chiến hạm Mỹ nghi vấn, muốn điện cho hai viên Hạm trưởng xác minh lại. Nhưng cấp trên của ông ta là Đô đốc Sáp đã can ngăn. Dù vậy, với trách nhiệm của một quân nhân, sau khi “tự ý” tổ chức thị sát lại hiện trường, Hê rích đã điện về Lầu Năm góc, đề nghị “đánh giá đầy đủ thận trọng trước khi có hành động tiếp theo”.

Tuy nhiên, đây là một việc làm vô ích, không cần thiết đối với Oa sinh tơn. Ở đó, người ta không cần xác minh. Bức điện nói tàu Mỹ bị tiến công đã là một chứng cớ vừa giản đơn, vừa rất quan trọng đối với Nhà Trắng và Lầu Năm góc. Đúng như Đô đốc Sáp sau đó ít lâu đã thú nhận: Tổng thống Giôn xơn đâu có cần những báo cáo, những bức điện loại này. Một người nào đó trong quốc hội mà biết rõ “những tiếng kèn thổi ngược” từ biển Đông bay về thì kịch bản mà Tổng thống và các mưu sĩ ra công dàn dựng sẽ trở thành lố bịch. Bởi vậy, nếu đúng như Am tơ nói rằng Giôn xơn đã ỉm bức điện của Hê rích đi thì điều đó cũng không có gì là khó hiểu.

Có được “chứng cớ” từ sự kiện đêm 4-8-1964, mà Nhà Trắng cho rằng đây là cuộc khủng hoảng quốc tế lớn mà Hoa Kỳ chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, Mắc Namara đã triệu ngay các thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và mời thêm cả Ngoại trưởng Đin rơt xcơ, Cố vấn an ninh quốc gia Mắc Gioóc giơ Bân đi để bàn kế hoạch trả đũa.

Những địa danh Bãi Cháy, Lạch Trường, Cửa Hội, cảng sông Gianh nằm trong số 94 mục tiêu đã xác định nhanh chóng được lựa chọn để thực hiện “đòn trả đũa”. Theo lệnh của Lầu Năm góc, ngày 5-8-1964, từ các tàu sân bay Côn xtê lê sơn và Ti côn đê rô ga đậu ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, các phi đội máy bay Mỹ bắt đầu cất cánh tiến vào đánh phá các mục tiêu theo kế hoạch.

Cũng bắt đầu từ thời điểm này, không khí Lầu Năm góc và Nhà Trắng nóng nên thực sự: sau khi thông cáo về “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” của Bộ Quốc phòng được phát ra, Tổng thống Giôn xơn lên truyền hình chính thức công bố quan điểm của Nhà Trắng; rằng, trong hai ngày 2 và 4-8, kẻ thù đã gây ra hai vụ tiến công liên tiếp vào các tàu khu trục Mỹ. Hành động xâm lược của đối phương chống lại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới là mối nguy cơ cho hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á.

Giôn xơn cũng bảo đảm với công chúng Mỹ rằng, mặc dù lực lượng quân sự Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có một sức mạnh to lớn và đáng sợ, nhưng phản ứng sẽ chỉ hạn chế và thích hợp. Việc làm của chính phủ đã được quốc hội khích lệ và tổng thống đang yêu cầu quốc hội thông qua một nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hoạch định những phương sách cần thiết để hỗ trợ và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á.

Tiếp đó, bản Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được chuẩn bị tại “hội nghị chiến lược” ở Hô lô lu lu trước đó hai tháng, sau khi được bổ sung, chỉnh sửa được đưa ra trình Quốc hội hai viện của Chính phủ Hoa Kỳ. Tuy cũng có những ý kiến trái chiều của các thượng nghị sỹ như Ê len đơ, Ga vơn, Chớc…, thậm chí là phản đối quyết liệt như Moóc xơ và Griu ninh; nhưng cuối cùng bằng những thủ pháp xảo quyệt, Giôn xơn và những đồng sự đã thông qua được Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, với số phiếu 416/0 ở hạ viện và 88/2 ở thượng viện (7-8-1964).

Vậy là, những người trong trụ sở Quốc hội trên đồi Ca pi tôn và quần chúng ngoài đường phố đã “xuôi tai” trước một sự việc đã rồi. Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam với quy mô lớn đã được Nhà Trắng và Lầu Năm góc hợp pháp hóa, và chính thức bắt đầu.

Tóm lại, trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt” và sụp đổ của chế độ Việt Nam cộng hòa, những người cầm đầu nước Mỹ mới “nháo nhào” bàn mưu tính kế chặn đứng từ gốc nguồn sống (Hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Bắc) của phong trào nổi dậy chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Giôn xơn, các mưu sỹ hàng đầu của nước Mỹ ở Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã hợp trí, hợp lực xây dựng nên một kịch bản, nhằm tạo cớ để mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc. Đặc biệt, cả một nghị quyết của quốc hội hai viện Hoa Kỳ cũng đã được chuẩn bị sẵn.

Biển Đông, trong đó có vùng Vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam được chọn làm khu vực dàn dựng kịch bản. Hải quân Mỹ là đơn vị được “đặt hàng” để dàn dựng kịch bản này. Và, đúng vào một đêm dông bão lớn (4-8-1964), Hải quân Mỹ đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, tạo ra một “chứng cớ thuyết phục” để quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết mở rộng cuộc chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được quốc hội hai viện Chính phủ Hoa Kỳ thông qua một cách nhanh chóng còn nhờ “tài thao lược” xuất chúng của Giôn xơn, Mắc Namara, Đin rơt xcơ… những người giữ vai trò quyết định trong cuộc chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ. Như vậy, Tổng thống Giôn xơn và những tay chân đắc lực nhất của ông ở Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã đạt được mục đích đặt ra của mình bằng sự dối trá, lừa gạt quốc hội, dân chúng Mỹ và cả những người lính tham chiến trên chiến trường Việt Nam lúc đó.

“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8-1964)”, ngay từ khi diễn ra đã có sự nghi ngờ trong chính nội bộ những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ lúc đó (tướng Hê rích); và chỉ thời gian ngắn sau đó, sự thật về nó đã nhanh chóng được phanh phui. Chính bản thân nhiều người trong nhóm cộng sự đắc lực của Tổng thống Giôn xơn cũng phải xám hối, lấy làm tiếc vì đã dính líu vào sự việc dối trá này.

“Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8-1964)” liên quan đến người Mỹ cách đây tròn 50 trước, nay lại tái diễn nhưng dưới một hình thức, quy mô, đối tượng và mục đích hoàn toàn khác. Rút kinh nghiệm từ những bài học từ lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc của ông cha, chúng ta phải có đối sách thích hợp, đặc biệt là phải cảnh giác với những âm mưu “tạo cớ” của đối phương, kết hợp sức mạnh toàn dân tộc với tăng cường sự đoàn kết quốc tế, lấy luật pháp quốc tế làm chỗ dựa để đàm phán, trao đổi với những bên có liên quan, kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài học “tạo cớ” ở Vịnh Bắc Bộ của Mỹ trước đây, hiện đang được thế lực gây hấn, nhằm thực hiện mục đích độc chiếm biển Đông làm “ao nhà” của mình tiến hành khẩn trương, ráo riết…; vì vậy, quân và dân ta phải đặc biệt cảnh giác, thận trọng ứng phó.

TIN LIÊN QUAN
Trung Quốc bắn đạn thật trên Vịnh Bắc Bộ, sát Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu Trung Quốc không tái diễn đặt giàn khoan trái phép
Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam
Lật tẩy mưu đồ thay đổi hiện trạng Biển Đông
Trung Quốc vào tận thềm nhà Việt Nam rồi la làng!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư