Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế 2018, tăng trưởng các quý sau sẽ thấp hơn quý trước
- 30/03/2018 08:47
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhiều khả năng, trong năm nay, tăng trưởng các quý sau sẽ thấp hơn quý trước.

Thưa ông, ngày 29/3, Tổng cục Thống kê chính thức công bố, tăng trưởng GDP quý I/2018 ước đạt 7,38%. Đây là mức tăng trưởng rất cao, nhất là so với con số 5,15% của cùng kỳ năm trước, khiến dư luận không khỏi bất ngờ và cũng đã có câu hỏi về tính xác thực của con số này. Ông lý giải thế nào về điều này?

Tăng trưởng GDP quý I/2018 là rất cao, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Mức tăng trưởng cao này có thể khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính xác thực của nó. Nhưng tôi có thể khẳng định, từng con số đã được cơ quan thống kê tính toán cẩn trọng, chính xác và đúng theo thông lệ quốc tế.

Nhìn vào diễn biến của nền kinh tế trong 3 tháng qua, có thể thấy rõ, tiếp đà tăng trưởng cao của 2 quý cuối năm ngoái, nền kinh tế diễn biến rất tích cực trong quý I năm nay, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đều ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Chúng ta đã có quý IV/2017 tăng trưởng cao, lên tới 7,65%. Đà tăng trưởng này đã tạo lực đẩy cho kinh tế quý I/2018. Các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý I/2018 đều cho thấy điều đó.

Ở đây, chúng ta thấy có hai vấn đề.

Thứ nhất, tình hình kinh tế GDP quý I là rất tích cực.

Thứ hai, do tăng trưởng GDP quý I/2017 đạt thấp, nên khi so sánh với một nền thấp thì tốc độ tăng trưởng năm sau sẽ cao hơn năm trước. Bởi vậy, mức tăng trưởng 7,38% là dễ hiểu và hoàn toàn chính xác.

Một quy luật của nền kinh tế Việt Nam là tăng trưởng quý sau thường cao hơn quý trước. Nếu quý I đã tăng trưởng cao như vậy, thì năm nay, tăng trưởng GDP sẽ không chỉ dừng ở con số 6,7% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra?

Năm nay, theo tính toán của chúng tôi, nhiều khả năng, mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước sẽ không còn được duy trì.

.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Nguyên nhân là tăng trưởng GDP năm 2017 đã có sự bứt phá mạnh giữa các quý (quý II hơn quý I là 1,21 điểm phần trăm; quý III hơn quý II là 1,02 điểm phần trăm; quý IV hơn quý III là 0,27 điểm phần trăm), đã tạo ra một “nền” rất cao ở các quý sau trong năm 2017. Trong khi đó, tăng trưởng quý I/2017 ở một nền rất thấp, chỉ 5,15%.

Trong điều kiện giả định tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tương đối ổn định, những yếu tố mang tính bứt phá là chưa rõ ràng, thì khi so sánh với đặc điểm mô hình tăng trưởng theo quý và lũy kế của năm 2017 như vậy, kết quả của năm 2018 sẽ có xu hướng giảm dần và điều này là tất yếu.

Nếu vậy, tăng trưởng GDP năm nay dự báo sẽ ở mức bao nhiêu, thưa ông? Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018. Kịch bản đó đã được xây dựng như thế nào?

Dựa trên số liệu về tình hình kinh tế quý I/2018, cũng như dự báo về các nhân tố tăng trưởng, chúng tôi đã sơ bộ xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2018 để báo cáo Chính phủ. Cụ thể, có hai kịch bản đã được xây dựng. Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP ở mức 6,7%. Kịch bản thứ hai, tăng trưởng GDP là  6,8%.

Trong hai kịch bản này, kịch bản thứ nhất chính là kịch bản có khả năng đạt được, thể hiện quyết tâm của Chính phủ. Theo Nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,5 - 6,7%, nhưng tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,7%. Đây là mức tăng trưởng khá cao, nhưng nếu quyết tâm, nỗ lực, chúng ta có thể đạt được.

Theo tính toán của chúng tôi, ở kịch bản này, tăng trưởng GDP từng quý sẽ tương ứng ở mức 7,38%; 6,83%; 6,61% và 6,25%; cả năm là 6,7%. Còn kịch bản thứ hai, được xây dựng với ý nghĩa để so sánh, đối chiếu với kịch bản cao (6,7%) và cũng định hướng mục tiêu phấn đấu của các ngành, các cấp.

Nghĩa là, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay là rất sáng sủa, thưa ông?

Theo nhận định của chúng tôi, năm nay, tăng trưởng sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính, có khả năng tạo bứt phá nằm ở khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo. Khu vực này đã và sẽ trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Nếu khu vực này đạt mức tăng trưởng cao, cộng thêm bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh và chúng ta đưa được các dự án công nghiệp chế biến - chế tạo lớn vào hoạt động, thì tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng đạt mục tiêu đề ra ở mức cao.

Nhưng cũng phải thấy rằng, do đặc điểm mô hình diễn biến tốc độ tăng trưởng các quý năm 2018 khác nhiều so với truyền thống, có xu hướng giảm dần, trong đó, tốc độ tăng trưởng của quý I là cao nhất, nên rất dễ dẫn tới tâm lý sớm thỏa mãn với kết quả đạt được, có thể dẫn tới thiếu quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, phải kiên định thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, phải duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.

Diễn biến kinh tế thế giới là khó lường, do vậy, phải theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nhằm nắm chắc tình hình, nắm bắt và tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như để có những điều chỉnh cần thiết kịch bản tăng trưởng khi có những thay đổi lớn diễn ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng trưởng kinh tế không phải là cuộc đua nước rút
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 chiều ngày 11/1/2018, rằng Việt Nam làm thế nào để...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư