Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tăng trưởng và sức ép lạm phát
Hà Nguyễn - 30/03/2018 08:47
 
Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 được công bố ở mức giảm 0,27% so với tháng trước, bình quân 3 tháng tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017, song những cảnh báo về sức ép lạm phát và cần cẩn trọng trong điều hành giá cả lại một lần nữa được đặt ra.

Điều đó là quan trọng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I/2018 vừa được công bố ở mức cao, lên tới 7,38% - cao nhất trong 10 năm qua. Với nền kinh tế Việt Nam, khi tăng trưởng GDP ở mức cao, thì luôn xuất hiện những mối lo về việc sức ép lạm phát cao sẽ theo đó mà tăng lên. Hơn nữa, chỉ nhìn vào những con số, cũng đã có thể thấy sức ép lạm phát là có thật, dù CPI tháng 3 đã giảm so với tháng trước, chứ không tăng mạnh như hai tháng đầu năm và dù bình quân CPI 3 tháng năm nay cũng thấp hơn so với bình quân CPI 2 tháng đầu năm (CPI bình quân hai tháng đầu năm nay tăng 2,9% so với cùng kỳ - PV).

Điều quan trọng là không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà cả Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cũng thừa nhận rằng, từ nay tới cuối năm, có nhiều yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá.    

Đó là sẽ tiếp tục có nhiều địa phương điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế, thậm chí điều chỉnh cả giá dịch vụ giáo dục.

Đó là sức ép đến từ giá xăng dầu, khi nhiều dự báo cho thấy, giá dầu thế giới năm nay có thể lên tới 70-80 USD/thùng. Chưa kể, thuế môi trường đối với xăng dầu cũng sẽ tăng, tác động tới giá xăng dầu và giá nhiều mặt hàng khác trong nước.

Đó là sức ép đến từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất đồng USD trong tháng 3 này và có khả năng còn tăng 3 đợt nữa trong năm nay, cùng những thay đổi trong chính sách thuế của Mỹ có thể tác động tới kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới, qua đó tác động tới tỷ giá, tới giá trị đồng Việt Nam, tới giá cả thị trường quốc tế và trong nước…

Đó còn là sức ép đến từ việc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ, tài khóa có thể được nới lỏng hơn, là sức ép từ hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn dự kiến sẽ cấp tập hơn trong năm nay.

Như vậy, nếu không cẩn trọng, không điều tiết việc hút vốn nước ngoài để cung ứng tiền đồng ra thị trường sao cho phù hợp, thì sẽ gây áp lực không nhỏ lên lãi suất và tỷ giá, lên mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

Tại phiên họp mới đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá, quan điểm nhất quán của Chính phủ một lần nữa đã được khẳng định, rằng sẽ kiên quyết ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức dưới 4% như mục tiêu đề ra. Các kịch bản giá cũng đã được Tổng cục Thống kê và các cơ quan quản lý xây dựng, trong đó có hai kịch bản lạm phát dưới 4%, một kịch bản có khả năng lạm phát sẽ lên cao hơn mức trên.

Điều này càng khẳng định rằng, áp lực lạm phát cao trong năm nay là có thật. Do vậy, càng phải cẩn trọng trong điều hành, bao gồm cả điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, để làm sao có thể kiểm soát lạm phát trong mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị.

Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát năm 2018
Thông tin từ phiên họp quý I/2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, dự báo CPI bình quân cả năm 2018 sẽ tăng ở mức từ 3,41-3,55% và 3,9%,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư