Đại gia địa ốc trở lại đường đua mua gom đất
Trọng Tín - 10/05/2024 08:19
 
Bước qua vùng đáy của thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch nhận chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất... nhằm gia tăng quỹ đất.

Tạo nền cho chu kỳ mới

Dù xác định thị trường còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng sau khi cơ cấu toàn bộ tài chính từ ngắn hạn sang dài hạn và để chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng khi thị trường hồi phục, Đất Xanh Group lên kế hoạch thực hiện tìm kiếm, mua dự án trong năm 2024.

Cụ thể, Đất Xanh sẽ đẩy mạnh việc mua và tích lũy những quỹ đất rộng 100 - 200 ha trên cả nước, với pháp lý đầy đủ… để phát triển dự án trong năm 2024 - 2025. Công ty cũng dự kiến hoàn thiện pháp lý 8 dự án trọng điểm quy mô lớn, chuẩn bị 20.000 sản phẩm tại các khu vực đông dân cư như TP.HCM, Bình Dương.

“Hiện tại, nhu cầu của thị trường với phân khúc nhà ở trung bình khá là rất lớn. Các dự án sắp tới của Đất Xanh sẽ đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn 2024 - 2025, nhằm đón đầu và đáp ứng nguồn cầu lớn của thị trường, tạo ra những kết quả kinh doanh đột phá cho công ty”, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh cho biết.

Ông Phạm Thu, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group) cũng cho biết, chiến lược kinh doanh trong năm nay là mở rộng hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) dự án, tìm kiếm quỹ đất sạch và tăng vốn để thực hiện các dự án lớn.

Theo ông Thu, Công ty đang xin cấp phép 26 dự án từ công ty mẹ và các công ty thành viên, trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Phú Quốc, với quỹ đất sạch hơn 1 triệu m2.

Ngoài hai doanh nghiệp nói trên, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch nhận chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất... để gia tăng quỹ đất. Trong báo cáo thường niên 2023, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Phát Đạt cho hay, năm nay, Công ty sẽ đưa ra thị trường 4 - 6 dự án lớn, đồng thời tích cực xúc tiến mở rộng quỹ đất tại Đồng Nai, Lâm Đồng... và nỗ lực tìm kiếm thêm quỹ đất mới tại TP.HCM.

Trong khi đó, Tập đoàn Bất động sản An Gia hồi đầu năm cũng thông báo tìm kiếm cơ hội để thực hiện M&A, mở rộng quỹ đất sạch. Doanh nghiệp này nhấn mạnh quan điểm là không chạy theo thị trường, không mua quỹ đất hay dự án bằng mọi giá. Công ty sẽ có những phân tích kỹ càng về khu đất, để làm sao khi đưa ra thị trường có giá sản phẩm phù hợp với túi tiền của đa số người mua.

Với việc các doanh nghiệp liên tục công bố kế hoạch mở rộng quỹ đất, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) gọi đây là sự chuẩn bị để khởi động chu kỳ mới của thị trường bất động sản. Theo VARS, chu kỳ mới sẽ diễn ra sát nhu cầu hơn. Đặc biệt, mọi thành phần tham gia đều có tính toán thực tế, sát với nhu cầu và nguồn lực.

Cuộc đua ngày càng đa dạng

Trong báo cáo mới đây, Viện Nghiên cứu tài chính - bất động sản Dat Xanh Services đánh giá, cuộc đua săn quỹ đất trên thị trường ngày càng đa dạng. Chẳng hạn, về địa bàn, Vinhomes đầu tư khu đô thị tại Long An, Cần Giờ, Cam Lâm…; PV Invest “Nam tiến” với dự án tại đảo Đại Phước (Đồng Nai); trong khi nhiều chủ đầu phía Nam như CapitaLand, Keppel Land, Phú Mỹ Hưng… lại đẩy mạnh “Bắc tiến”...

Về loại hình bất động sản, Vingroup và Hà Đô nghiên cứu phát triển bất động sản khu công nghiệp tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), Ninh Thuận…; Novaland, Ecopark tiếp tục phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, Phú Thọ...

Về quy mô, Vinhomes đầu tư khu đô thị hơn 1.000 ha tại Long An; Phát Đạt, An Gia, Đất Xanh, Hoàng Huy, Ecopark, Eurowindow, TNG Holdings... đang tích cực “săn” các quỹ đất lớn quy mô 50-150 ha tại nhiều địa phương…

Còn về nhà đầu tư, thị trường xuất hiện nhiều “tay chơi” mới như Tập đoàn Central Pattana (Thái Lan) gia nhập thị trường bán lẻ tại Việt Nam; Tập đoàn TH vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư Dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia - Suối Vàng; Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang bất động sản với dự án nhà ở xã hội tại Cà Mau…

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá, thời gian vừa qua là giai đoạn thanh lọc, chuyển giao, sửa đổi và chuẩn bị cho các bước tiến tiếp theo của thị trường, đặc biệt là thị trường nhà ở. Những quy định mới sẽ tạo thuận lợi cho doanh mở rộng thị trường cũng như liên kết hợp tác.

Do vậy, mặc dù còn có nhiều thử thách, nhưng bà Trang Bùi tin rằng, đây chính là thời điểm phù hợp cho doanh nghiệp tăng cường hoạt động thâu tóm, liên kết hợp tác, đặc biệt với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

Theo dự báo của Cushman & Wakefield, sẽ có một lượng vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026. Nhiều giao dịch đã, đang trong quá trình đàm phán và có tín hiệu khá tích cực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản