Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Các tỉnh chủ động kết nối tiêu thụ trong nước giảm ảnh hưởng từ dịch bệnh virus Corona
Thu Phương - 11/02/2020 21:09
 
Đại diện các Sở Công Thương Đồng Tháp, Bình Thuận, Đồng Nai, Sơn La... cho biết, trên địa bàn các tỉnh đã chủ động kết nối tiêu thụ trong nước và mở rộng chế biến xuất khẩu.
.
Cuộc họp về “giải cứu” nông sản do Bộ Công thương tổ chức chiều nay ngày 11/2. 

Nói về thực trạng trên địa bàn tại cuộc họp về “giải cứu” nông sản do Bộ Công thương tổ chức chiều nay ngày 11/2, ông Nguyễn Hữu Dũng Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp: Đồng Tháp cũng bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh virus nCoV, bởi các sản phẩm nông sản của Đồng Tháp đều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên khi cửa khẩu hai bên tạm thời ngừng thông quan thì nông sản bị tồn đọng. Hiện nay theo khảo sát sản phẩm tồn động nhiều nhất là khoai lang với 11.000 tấn, nhãn 1.200 tấn.  Xoài Cát chu 9.000 tấn trong khoảng 30 ngày nữa là thu hoạch.

Chủ động giải quyết tình trạng ngành Công thương Đồng Tháp đã liên hệ với một số nhà phân phối với mong muốn tìm được nhiều đối tác tiêu thụ giúp cho nông dân. Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cũng kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ sản xuất, thu mua dự trữ, sơ chế và  sử dụng các kho đông lạnh để bảo quản hàng hoá...

Tượng tự như Đồng Tháp, nông sản tỉnh Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, Giám đốc Trung Tâm xúc tiến thương mại Đồng Nai cho biết, một số sản phẩm bị ảnh hưởng phải kể đến như, mít 47.200 tấn, chôm chôm 155.870 tấn. Còn có  119.000 tấn chuối,  xoài  111.000 tấn chuẩn bị vào vụ thu hoạch.

Do có nhiều sản phẩm với sản lượng cần tiêu thụ lớn, Sở Công thương Đồng Nai đã có buổi làm việc vào ngày  6/2 với các nhà phân phối để hỗ trợ. Tại buổi làm việc các kênh phân phối tại tỉnh cũng cam kết hỗ trợ cho bà con nông dân.

Cùng cảnh ngộ với Đồng Tháp và Đồng Nai, Bình Thuận cũng có nhiều sản phẩm nông sản có sản lượng lớn,  ông Hà Lê Thanh Trung, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho hay:  Bình Thuận có thanh long là sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều, hiện thanh long đang dự trữ 7.685 tấn , 44.565 tấn sắp thu hoạch.

Hiện Sở Công thương Bình Thuận đang làm việc với các doanh nghiệp thu mua và đưa vào hệ thống bảo quản. Ngoài ra, Sở Công thương có làm việc với các siêu thị tiêu thu phía Nam để hỗ trợ tiêu thụ.  Và mở rộng tiêu thụ sang các nước lân cận như thị trường với Campuchia và Myanmar.  

.
Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. 

Không chỉ các tỉnh phía Nam, “vựa trái cây” của miền bắc tỉnh Sơn La cũng đang tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, bà Phạm Thị Doan, Phó giám đốc Sở Công thương Sơn La cho biết, Sơn La có nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện tinh bột sắn, chuối cũng là các mặt hàng đầu tiên bị ảnh hưởng. Ngoài ra, xoài, nhãn, chanh leo, mận hậu cũng sắp đến vụ thu hoạch chắc sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Bà Doan cũng cho biết, hiện Sơn La cũng chủ động làm việc với một số tỉnh có khả năng tiêu thụ lớn. Còn đối với các sản phẩm chuẩn bị thu hoạch thì Sơn La cũng trao đổi với các doanh nghiệp như TH, Đồng Giao, Nafoods có kế hoạch dài hơi bảo quan, chế biến nông sản.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ Trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, việc kết nối và dự trữ là hết sức quan trọng. Các Sở Công thương các tỉnh đã chủ động kết nối tiêu thụ của địa phương mình là hướng đi đúng và có nhiều kết quả rõ ràng. Về phía Bộ, Bộ cũng đang làm việc với nước bạn để có những biện pháp tốt có thể thông quan sớm.

“Hiện tại chưa dám nói gì nhưng chúng tôi sẽ cố gắng. Trước hết là chúng ta tăng cường thêm kết nối với các hệ thống phân phối ở trong nước. Không chỉ trong thời gian này mà thời gian tới cũng phải liên kết chia sẻ giữa doanh nghiệp phân phối và bà con nông dân” Thứ Trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

TP.HCM: Các siêu thị thu mua nông sản hỗ trợ nông dân trước ảnh hưởng của dịch Corona
Chuỗi các siêu thị đồng loạt thu mua hàng tấn nông sản và bán với mức giá “không lợi nhuận” nhằm hỗ trợ nông dân chịu ảnh hưởng từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư