Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lo ngại “bắt tay dưới gầm bàn” trong đấu thầu
Ngọc Tuấn - 22/03/2017 08:46
 
Đảm bảo tính cạnh tranh là nguyên tắc trọng yếu theo tinh thần pháp luật đấu thầu quy định. Song hiện tượng “bắt tay dưới gầm bàn” làm méo mó cuộc thầu dẫn tới hệ lụy vừa không chọn được nhà thầu đúng năng lực, vừa không hạ được giá thầu để tiết giảm ngân sách đầu tư.

Thất vọng kết quả thầu  

Nhìn vào danh sách Kết quả lựa chọn nhà thầu trên mạng đấu thầu quốc gia (http://muasamcong.mpi.gov. vn), chắc hẳn cơ quan quản lý việc chi tiêu ngân sách nhà nước cũng như nhiều nhà thầu tử tế sẽ không khỏi xót xa bởi nhiều kết quả đấu thầu “lạ lùng”. Bởi lẽ, bất chấp những quy định được xây dựng bài bản, nhưng tỷ lệ giảm giá thầu còn rất khiêm tốn.

Để minh chứng cho nhận định trên, có thể lấy ví dụ từ việc đấu thầu gói thi công xây dựng công trình Trạm y tế xã Ba Chùa (chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tỉnh Quảng Ngãi). Theo kết quả công bố, so với giá gói thầu, giá trúng thầu của nhà thầu trúng thầu là chỉ giảm thầu được 2 triệu đồng (khoảng 0,057%). Tuy đây là gói thầu được thực hiện theo phương thức đầu thầu rộng rãi, nhưng tỷ lệ giảm nhỏ hơn nhiều lần so với áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Thêm một ví dụ nữa là gói thầu thi công xây dựng công trình các hạng mục bổ sung, Dự án Cải tạo nâng cấp đường QL21A (đường vào đền Trần Quang Khải đến xã Lộc Hòa, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) do Ban quản lý Dự án Xây dựng - Giao thông huyện Mỹ Lộc là chủ đầu tư. Gói thầu này cũng được đấu thầu rộng rãi trong nước, nhưng giá trúng thầu của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Vạn Xuân giảm giá được 3,4 triệu đồng (khoảng 0,031%). 

Tỷ lệ giảm thầu như trên không hề hiếm, có những gói thầu chỉ giảm giá được... vài trăm ngàn đồng.

Tăng tính cạnh tranh theo… cách nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần TNE, một nhà thầu có tiếng trên địa bàn TP.HCM cho rằng, các cuộc thầu này tính cạnh tranh không cao và không ngoại trừ khả năng bị “dàn xếp”. Theo ông Vũ, phổ biến nhất là hiện tượng tư vấn đấu thầu “cài cắm” nhiều tiêu chí cá biệt, không trọng yếu vào hồ sơ mời thầu, nhằm hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu ngay trong giai đoạn mời thầu.

Ngoài ra, quá trình chấm thầu, làm rõ hồ sơ mời thầu tư vấn đấu thầu còn “hành” nhà thầu bằng nhiều yêu cầu phi lý gây trở ngại, làm các nhà thầu nản lòng và bỏ cuộc. Khi các nhà thầu kiến nghị, khiếu nại thì giải quyết vòng vo cho qua chuyện.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Văn Thịnh, đại diện một nhà thầu xây lắp tại Bình Dương cho biết thêm, nhà thầu này cũng không ít lần bị bên mời thầu cố tình làm khó một cách vô lý để loại ra khỏi các cuộc thầu. “Có thể kể ra như nhà thầu đã có kinh nghiệm thi công gói thầu trị giá cả trăm tỷ đồng, nhưng vẫn bị tư vấn bắt bí bằng yêu cầu chứng minh sở hữu thiết bị đầm rùi trị giá 2 triệu đồng, hay yêu cầu đối chiếu bản gốc giấy BHYT của hàng trăm nhân sự thông thường.Thêm vào đó là chất lượng hồ sơ mời thầu còn nhiều “vấn đề” và từ đó tư vấn mời thầu tha hồ dẫn giải theo chiều hướng bất lợi nhằm triệt hạ nhà thầu khác phe…” ông Thịnh nói.

Nghiêm trọng hơn là hiện tượng “đi đêm” giữa các chủ thể tham gia đấu thầu khá phổ biến. Những “cái bắt tay dưới gầm bàn” không chỉ vi phạm pháp luật đấu thầu, mà gây ra hệ quả trực tiếp là làm cho công tác đấu thầu không công bằng, thiếu minh bạch và không đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu. Theo nhà thầu này thì dù hiện tượng này có nhiều dấu hiệu nhưng để “bắt bài”, vạch mặt chỉ tên là một công việc rất khó khả thi vì nó diễn ra khá tinh vi.

Nhà thầu ĐV (yêu cầu được giấu tên) tại TP.HCM nói với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn rằng, nhà thầu này không ít lần được các nhà thầu khác, nhiều khi cả chủ đầu tư tìm gặp “động viên” rút hồ sơ dự thầu ở một số gói thầu xây lắp cầu đường. Điều kiện đưa ra để đổi lại việc nhà thầu này rút khỏi “cuộc chơi” là hứa hẹn sẽ được giành cho gói thầu khác hoặc một khoản đền bù “tiền làm hồ sơ” (!?).

Bất cập nêu trên đã làm méo mó và giảm tính cạnh tranh, tạo nên nguy cơ lựa chọn sai nhà thầu thực hiện các dự án.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Đại Hải, Giám đốc Phân viện Kinh tế xây dựng Miền Nam cho rằng, muốn nâng tính cạnh tranh, chìa khóa duy nhất là minh bạch và để có thể minh bạch thì cần công khai hoạt động của hai chủ thể là chủ đầu đầu tư dự án và tư vấn đấu thầu, bởi lẽ, toàn bộ các khâu từ lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đều do chủ đầu tư thực thi. Ngoài ra, đấu thầu qua mạng cũng là giải pháp làm tăng tính minh bạch.

Cơ cấu tính giá hợp đồng trọn gói trong đấu thầu
Giá hợp đồng trọn gói phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro liên quan đến giá như rủi ro về khối lượng, trượt giá trong thời gian thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư