Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
12 đại dự án yếu kém của ngành công thương sẽ do Siêu Uỷ ban làm đầu mối xử lý
Hoàng Nam - 27/03/2019 15:24
 
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án trong ngành Công thương sáng nay, Bộ Công thương đã đề nghị giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Uỷ ban) thực hiện nhiệm vụ Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đồng thời thực hiện nhiệm vụ đầu mối Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo.

Như vậy trong thời gian tới, hàng loạt nhiệm vụ của Bộ Công thương sẽ được chuyển sang Siêu Ủy ban trong việc xử lý các dự án, doanh nghiệp, thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo cáo về tình hình 12 dự án liên quan, đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, tại nhiều doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi, cắt được lỗ hay đã bắt đầu đi vào vận hành từ chỗ “nằm im”.

Cụ thể, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận đạt 195,55 tỷ đồng (tăng 180,767 tỷ đồng so với 2017) và Nhà máy thép Việt - Trung có lợi nhuận đạt 469 tỷ đồng (tăng 159 tỷ đồng so với năm 2017).

Trong 2 tháng đầu năm 2019, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh có hiện quả và đã có lợi nhuận ước đạt 12,047 tỷ đồng.

4 dự án khác đang tiếp tục khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Đơn cử như năm 2018, Nhà máy đạm Hà Bắc đã giảm lỗ 266,2 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 288,48 tỷ đồng và Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 10 tỷ đồng so với năm 2017; Công ty DQS lỗ 98,15 tỷ đồng... Trong 2 tháng đầu năm 2019, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,68 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 10,135 tỷ đồng; Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 44,568 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động trở lại nhà máy. Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018 và nâng lên 10 dây chuyền từ ngày 13/01/2019. Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018 theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap). Còn lại Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi.

Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng với Đơn vị tư vấn định giá lại Dự án ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam và đang hoàn thiện các thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức thực hiện bán đấu giá Dự án theo quy định (Dự kiến trong Quí II/2019); Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai Dự án; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.

Theo Bộ Công thương cho biết, việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, đồng thời Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc rút thành công 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Đến thời điểm 31/10/2018, tổng số dư cấp tín dụng là 20.943 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng ở các dự án, doanh nghiệp đã giảm 348 tỷ đồng (so với thời điểm ngày 31/01/2018).

Bên cạnh đó, một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án cũng đã được các đơn vị tập trung xử lý có hiệu quả, điển hình là việc hoàn tất đàm phán và ký kết được chính thức Hợp đồng liên doanh, Điều lệ liên doanh sửa đổi và qui định đề cử chức danh Tổng Giám đốc ở Dự án Nhà máy thép Việt Trung vào tháng 12 năm 2017 sau một thời gian dài bế tắc; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã xử lý xong vấn đề tranh chấp thực hiện Hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu EPC (đứng đầu là Nhà thầu là Công ty Xây dựng Hyundai (HEC)) và đã ký thỏa thuận hòa giải. PVTex đã ký Biên bản nghiệm thu cuối cùng của Mốc nghiệm thu cuối cùng (FA) của hợp đồng EPC, hoàn thành việc xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC.

“Soi” tiến độ xử lý 12 dự án kém hiệu quả
Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư