Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
17 doanh nhân trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV
Mạnh Bôn - 09/06/2016 17:10
 
Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức họp báo công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Trong danh sách 496 người trúng cử có 17 doanh nhân.

Theo kết quả này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được 356.780 phiếu, đạt tỷ lệ 86,47% số phiếu hợp lệ. Chủ tịch nước Trần Đại Quang được 293.079 phiếu, đạt tỷ lệ 75,08% số phiếu hợp lệ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 476.357 phiếu, đạt tỷ lệ 99,48% số phiếu hợp lệ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được 308.683 phiếu, đạt tỷ lệ 91,46% số phiếu hợp lệ.

Cũng theo kết quả này, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh được 292.667 phiếu, đạt tỷ lệ 85,71% số phiếu hợp lệ. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được 340.761 phiếu, đạt tỷ lệ 95,32% số phiếu hợp lệ. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng được 676.517 phiếu, đạt tỷ lệ 68,41% số phiếu hợp lệ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch được 311.918 phiếu, đạt tỷ lệ 95,87% số phiếu hợp lệ. Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm được 269.938 phiếu, đạt tỷ lệ 95,16% số phiếu hợp lệ. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải được 520.972 phiếu, đạt tỷ lệ 87,16% số phiếu hợp lệ. Bí Thư thành Uỷ TP.HCM Đinh La Thăng được 509.447 phiếu, đạt tỷ lệ 85,02% số phiếu hợp lệ.

Trong danh sách 496 người trúng cử có 17 doanh nhân. Đứng đầu về số lượng là Hà Nội, với 6 doanh nhân (gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) trúng cử. Một số địa phương còn lại, bao gồm cả TP.HCM chỉ có một người đứng đầu, nắm vị trí quản trị doanh nghiệp trúng cử. Doanh nhân duy nhất tự ứng cử đã trúng cử là ông Phạm Quang Dũng, sinh năm 1954, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TASCO. Ông Dũng là một trong 9 vị được bầu tại Nam Định.

Số lượng doanh nhân trúng cử khoá này như vậy thấp hơn hẳn con số 40 người của khoá 13 (gần 40 người).

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến cuộc bầu cử như tình trạng bầu hộ, bầu giúp; tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia Quốc hội khóa XIV thấp; tỷ lệ tái cử thấp… Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo thông tin mà ông nhận được thì có tình trạng bầu hộ, bầu giúp, thậm chí Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng nhận được một số đơn thư của cử tri phản ánh tình trạng này.

“Chúng tôi đã giao Ủy ban Bầu cử các tỉnh kiểm tra lại tình trạng bầu hộ, bầu thay sau khi nhận được thông tin cũng như đơn thư phản ánh của cử tri, kết quả cho thấy tình trạng bầu hộ, bầu thay là có. Ví dụ, trong gia đình có 5-6 cử tri, do hiểu biết hạn chế về hoạt động bầu cử, cộng với việc người thân đi làm ăn xa, có việc đột xuất đúng ngày diễn ra bầu cử nên một số thành viên trong gia đình đã đi bầu hộ, bầu thay cho những người còn lại”, ông Hiển giải thích.

Ông Hiển khẳng định, hiện tượng bầu hộ, bầu thay như trên diễn ra không phổ biến, không vi phạm nghiêm trọng Luật Bầu cử và cũng không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Mặc dù vậy, Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã có sự chấn chỉnh.

“Trong cuộc bầu cử lần này cũng có nơi xảy ra tình trạng bầu thay, bầu hộ diễn ra nghiêm trọng đã bị Hội đồng Bầu cử quốc gia huỷ bỏ kết bầu cử và yêu cầu bầu lại theo đúng quy định”, ông Hiển nói thêm.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, cử tri lựa chọn được 496 đại biểu, thiếu 4 đại biểu so với dự kiến ban đầu, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Tổng thư ký Quốc hội giải thích, việc không bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội như dự kiến ban đầu cũng là bình thường vì Luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp chỉ quy định số lượng đại biểu Quốc hội tối đa là 500 người.

“Lần này bầu không đủ số đại biểu Quốc hội cũng là bình thường, không phải là trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, cuộc bầu cử Quốc hội khóa IX thiếu 5 người (395/400), Quốc hội khóa XI thiếu 2 người (498/500), Quốc hội khóa XII thiếu 7 người (493/500)”, ông Phúc nói thêm.

Quốc hội khóa XIV có 21 đại biểu là người ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 4,2% - đạt tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tỷ lệ ngoài Đảng Quốc hội khóa III là 19,4%; khóa IV là 24,6%; khóa V là 27%; khóa VI là 18,6%; khóa VII là 15,88%; khóa VIII là 7%; khóa IX là 8,4%; khóa X là 15%; khóa XI là 10,31%; khóa XII là 8,72% và khóa XIII có 42 đại biểu ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 8,4% tổng số đại biểu Quốc hội.

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, số lượng và tỷ lệ người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ngoài Đảng rất đông, đông hơn và cao hơn những lần trước nhưng tỷ lệ trúng cử thấp là do sự quyết định của cử tri thông qua lá phiếu của mình.

Quốc hội khóa XIV có 160 đại biểu khóa XIII tái cử, chiếm tỷ trọng 32,3% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo ông Phùng Quốc Hiển, tỷ lệ tái cử này cũng tương tự như các cuộc bầu cử khác, số lượng tái cử chỉ chiếm 30-35% tổng số đại biểu Quốc hội (khóa XIII có 167 đại biểu tái cử, chiếm tỷ lệ 33,4%).

“Điều này không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội vì những người lần đầu tham gia vào cơ quan lập pháp đều kinh qua nhiều công việc, có kinh nghiệm, năng lực, trình độ, thậm chí có người đã từng tham gia vào HĐND các cấp (có người đã từng là đại biểu Quốc hội ở các khóa trước) vì vậy, mặc dù lần đầu tham gia vào cơ quan lập pháp nhưng chất lượng rất cao. Cùng với số đại biểu tái cử, chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ tiếp tục được cải thiện”, ông Hiển nhận định.

Chùm ảnh những cử tri đặc biệt trong ngày bầu cử
Tuổi cao, bị thương phải chống gậy, thậm chí nằm bệt trên giường bệnh, nhưng nhiều cử tri vẫn tự tay bỏ phiếu bầu ra người đại diện cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư