Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
2 vùng trọng điểm kinh tế, 4 hành lang động lực đưa Quảng Trị phát triển
Kỳ Thành - 11/08/2023 23:11
 
Quy hoạch tỉnh Quảng Trị vừa được Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua với điều kiện có bổ sung, chỉnh sửa, trong đó xác định các lĩnh vực đột phá và không gian phát triển trong thời kỳ tới.
Phiên họp hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: Đức Trung)

Ngày 11/8, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiến hành phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Chủ trì phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đánh giá cao sự quan tâm của Quảng Trị đối với công tác quy hoạch và cho biết, Quảng Trị là tỉnh thứ 48 và hiện đang gấp rút hoàn thiện để phê duyệt.

Bộ trưởng phân tích, Quảng Trị trong những năm qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng luôn nỗ lực đoàn kết và đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh mới hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, tỉnh cần đưa ra định hướng, tầm nhìn để phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhắc đến Quảng Trị đã được quy hoạch xây dựng sân bay, cảng biển Mỹ Thủy, các khu công nghiệp, đường cao tốc đang được đầu tư, Bộ trưởng cho rằng, các yếu tố thuận lợi xuất hiện rất nhiều nhưng cần làm rõ tận dụng như thế nào và tạo cơ hội làm sao để phát triển nhanh hơn, đặc biệt là phải có các giải pháp để tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đức Trung)

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết, tỉnh xác định rằng, xây dựng Quy hoạch là bước đầu tiên trong việc huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, cần những bước quan trọng tiếp theo trong triển khai tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở kế thừa, phát huy các định hướng, chiến lược của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; với các quan điểm  phát triển tỉnh Quảng Trị theo hướng xanh, bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội, chủ động hội nhập quốc tế đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và khai thác và thúc đẩy liên kết vùng, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị xác định tầm nhìn, mục tiêu trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung, một trong những trung tâm năng lượng sạch của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước.

Đồng thời, tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động giao thương, liên kết trên tuyến Hành lang kinh tế  Đông - Tây và là hạt nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng thương mại, du lịch, vận tải và logistics giữa Quảng Trị với các nước gồm Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước Đông Nam Á, Tây Á.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng (Ảnh: Đức Trung)

Để thực hiện mục tiêu đã xác định, Quảng Trị lựa chọn 4 lĩnh vực đột phá: (1) Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để tạo điều kiện phát huy các tiềm năng phát triển của tỉnh; (2) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung Bộ; (3) Chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và (4) Thực hiện chuyển đổi số.

Về tổ chức không gian phát triển, Quảng Trị xác định 2 vùng trọng điểm kinh tế, bao gồm:

(1) Vùng đồng bằng cao và trung du - bao gồm khu vực hai bên Quốc lộ 1 đến đường bộ cao tốc, khu vực địa hình cao tại phía Bắc thị trấn Diên Sanh và một số khu vực giáp phía Tây đường bộ cao tốc: ưu tiên phát triển đô thị, dân cư, công nghiệp, dịch vụ đa năng đan xen với không gian hồ nước, vườn cây, trang trại;

(2) Khu vực ven biển: ưu tiên phát triển các cơ sở công nghiệp khí và công nghiệp gắn với cảng, các khu đô thị du lịch và dân cư lồng ghép trong cảnh quan sinh thái rừng cồn cát được phục hồi.

4 hành lang kinh tế động lực được tỉnh Quảng Trị xác định bao gồm:
(1) Hành lang ven biển, kết nối các khu công nghiệp khí, khu công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế của cảng, các trung tâm đô thị - du lịch sinh thái, TDTT và hệ thống đô thị ven biển;
(2) Hành lang trung tâm, có phạm vi từ hai bên Quốc lộ 1 đến hai bên Đường bộ cao tốc, kết nối các khu cụm công nghiệp chủ yếu, các khu đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và hệ thống đô thị trung tâm gồm TP Đông Hà, TX Quảng Trị, các TT Hải Lăng, Hồ Xá, Ái Tử và Gio Linh;
(3) Hành lang Đông - Tây, gồm hai tuyến Đông Hà - Lao Bảo và Mỹ Thủy - La Lay, kết nối các cơ sở thương mại cửa khẩu, logistics, du lịch sinh thái và hệ thống đô thị dọc theo Quốc lộ 9 và Quốc lộ 15D;
(4) Hành lang kinh tế biên giới, phát triển trên cơ sở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, kết nối Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, cửa khẩu quốc tế La Lay với các đô thị biên giới.

Đánh giá đây là báo cáo tốt, nghiên cứu công phu, đáp ứng yêu cầu đặt ra, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quan điểm phát triển đưa ra nhiều nội dung, nhiều chất liệu nhưng quan trọng là phải gắn với kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn…

Về không gian phát triển, TS. Cao Viết Sinh cho rằng, tỉnh cần chú trọng việc đầu tư phân kỳ đối với các hành lang kinh tế để đảm bảo khả năng về nguồn lực.

Lãnh đạo Quảng Trị "thúc" tiến độ 2 dự án giao thông trọng điểm
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu chủ đầu tư 2 dự án đường ven biển tỉnh và đường hai đầu cầu dây văng sông Hiếu đẩy nhanh tiến độ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư