Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
4 mối đe dọa hàng đầu nhắm vào doanh nghiệp nhỏ và vừa Đông Nam Á
T.H - 28/09/2023 13:28
 
Kaspersky chia sẻ mẹo tăng cường bảo mật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sau khi chặn được hơn 44.022 cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại nhắm đến đối tượng doanh nghiệp này.

Kaspersky, công ty an ninh mạng toàn cầu, vừa cho biết, trong nửa đầu năm nay, Công ty đã ngăn chặn các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đông Nam Á với số lượng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, các giải pháp của Kaspersky đã ngăn chặn tổng cộng 44.022 cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực từ tháng 1 đến tháng 6/2023, tăng 364% so với 9.482 lượt tấn công trong cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, riêng tại Việt Nam, nếu như quý I/2022, Kaspersky ngăn chặn 1.240 cuộc tấn công, thì quý II/2023, con số lên tới 25.194 cuộc tấn công.

Theo ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky Đông Nam Á, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của nền kinh tế Đông Nam Á, chiếm gần một nửa GDP của khu vực, góp phần tạo ra 85% việc làm và chiếm hơn 90% tổng số các doanh nghiệp ở Đông Nam Á.

Để đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng, các doanh nghiệp phải tận dụng số hóa quy trình (Digitalization), nhưng hầu hết các doanh nghiệp lại đang bỏ qua phần an ninh mạng.

Vì thế, để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xây dựng kế hoạch an ninh mạng, Kaspersky đã chia sẻ các loại mối đe dọa phổ biến nhất mà các doanh nghiệp có thể gặp phải.

Theo đó, mối đe dọa lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 6 tháng đầu năm 2023 là khai thác lỗ hổng. Tiếp theo là Trojan, Backdoor (cửa hậu) và Not-a-virus.

Có rất nhiều mối nguy về an ninh mạng mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt

Theo Kaspersky, ngay cả thứ hoàn toàn không liên quan đến kinh doanh, chẳng hạn như liên kết YouTube, cũng có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì ​​nhân viên của họ thường sử dụng cùng một thiết bị cho công việc và các vấn đề cá nhân.

Một trong những phương pháp thường được sử dụng để xâm nhập vào điện thoại thông minh của nhân viên được gọi là “smishing” (sự kết hợp giữa SMS và phishing). Theo đó, nạn nhân sẽ nhận được liên kết độc hại qua SMS, WhatsApp, Facebook Messenger, WeChat hoặc một số ứng dụng nhắn tin khác. Nếu người dùng click vào link, mã độc sẽ được tải lên hệ thống.

“Theo báo cáo về khả năng phục hồi mạng mới nhất của chúng tôi, vào năm 2022, 4 trong 10 người sử dụng lao động thừa nhận rằng sự cố an ninh mạng sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn đối với hoạt động kinh doanh của họ, thay vì chỉ là sự sụt giảm doanh số bán hàng hoặc thiên tai”, ông Yeo cho biết.

Theo ông Yeo, dựa trên kết quả khảo sát, khủng hoảng an ninh mạng cũng sẽ là loại khủng hoảng khó giải quyết thứ hai sau việc doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.

“An ninh mạng là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Đông Nam Á nên nghiêm túc thực hiện. Chúng tôi ở đây để giúp họ vạch ra hành trình xây dựng một doanh nghiệp an toàn hơn cho họ và cho khách hàng”, ông Yeo nhấn mạnh.

Các chuyên gia của Kaspersky khuyên các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên có một khái niệm phòng thủ toàn diện nhằm trang bị, thông báo và hướng dẫn đội ngũ bảo mật trong cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công mạng có mục tiêu và tinh vi nhất như nền tảng Kaspersky Extended Detection and Response (XDR).

Kaspersky tại Đông Nam Á cũng vừa tung ra chương trình khuyến mãi Mua 1 tặng 1 để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường khả năng an ninh mạng. Giờ đây, các doanh nghiệp có thể tận hưởng hai năm bảo vệ điểm cuối cấp doanh nghiệp với giá 1 năm khi lựa chọn sản phẩm Kaspersky Endpoint Security for Business hoặc Cloud hoặc Kaspersky Endpoint Detection and Response Optimum.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư