Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
467 đại biểu đồng ý bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc
An Nguyên - 03/11/2020 17:26
 
Với đa số phiếu thuận, cuối chiều 3/11 Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc (TP.HCM)
.
Ông Phạm Phú Quốc khi còn là đại biểu Quốc hội.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm ông Quốc.

Chương trình dự kiến có dành thời gian để ông Phạm Phú Quốc phát biểu ý kiến, nhưng điều này không diễn ra.

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và bỏ phiếu kín bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Kết quả, có 471 phiếu được phát ra, thu về 470 phiếu hợp lệ, 467 đại biểu đồng ý bãi nhiệm và 3 vị không đồng ý.

Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Nghị quyết nêu rõ lý do ông Quốc bị bãi nhiệm vì đã không trung thực trong việc báo cáo với tổ chức, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.

Kết quả biểu quyết bằng bấm nút điện tử có 429/431 đại biểu đồng ý thông qua, 2 vị không biểu quyết. Nghị quyết có hiệu lực từ khi Quốc hội thông qua. 

Tại tờ trình bãi nhiệm ông Quốc chiều 2/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, sự việc ông Phạm Phú Quốc xin nhập quốc tịch Cộng hòa Síp và đã có quốc tịch Cộng hòa Síp, nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội. Sai phạm của ông Phạm Phú Quốc là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trong công luận và trong Nhân dân, uy tín của ông Phạm Phú Quốc bị giảm sút. Cử tri thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự không tín nhiệm và đề nghị Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.

Đại biểu Phạm Phú Quốc không báo cáo việc có thêm quốc tịch Cộng hoà Síp
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên tiếng về việc đại biểu Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư