Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 05 năm 2024,
5 giải pháp xây dựng nền kinh tế đồng bộ và tự chủ
Bá Thư - 04/06/2014 18:41
 
 Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao các biện pháp giải quyết về tình hình Biển Đông, trong đó có các giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014.  
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bức bách tìm giải pháp giảm nhập siêu với Trung Quốc
Lật tẩy mưu đồ thay đổi hiện trạng Biển Đông
Kinh tế Việt Nam làm gì để giảm tình trạng lệ thuộc
2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam trước căng thẳng biển Đông
Kinh tế Việt Nam không quá lo ngại trước sự kiện Biển Đông

Ông Phan Văn Quý nói:

"Trước tình hình phức tạp hiện nay, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014.

   
  Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An) phát biểu tại Hội trường  

Về vấn đề này, tôi cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng nền kinh tế đồng bộ và tự chủ, với những giải pháp cụ thể.

Một là, ngay từ bây giờ, chúng ta cần tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; trong đó, chú ý các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật Bản..., đồng thời nghiên cứu và thúc đẩy để mở rộng ra các thị trường khác và sớm chuẩn bị đủ nguồn lực và cơ sở vật chất để tham gia các hiệp định khu vực và quốc tế mà nước ta đang đàm phán để ký kết.

Hai là, thúc đẩy 3 khâu đột phá chiến lược và chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với mô hình tăng trưởng, chú ý đến chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới làm ăn, sinh sống tại Việt Nam, đặc biệt trong chương trình thu hút đầu tư nước ngoài tại những vùng trọng yếu, nhạy cảm cần chú ý những doanh nghiệp ở những quốc gia có địa chính trị phù hợp với nước ta.

Ba là, đẩy mạnh Chương trình xây dựng Nông thôn mới và Chương trình hợp tác quốc tế về lao động, đầu tư thích đáng cho các chương trình phát triển dạy nghề để tạo sự ổn định và cân bằng trong quá trình phát triển giữa nông thôn và thành thị, tạo ra lực lượng lao động lành nghề phục vụ cho các chương trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bốn là, thông qua Chương trình Cánh đồng mẫu lớn trong nông nghiệp, cần tạo ra các vùng trồng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy công nghiệp như may mặc, giày da... mà lâu nay chúng ta phải nhập khẩu.

Năm là, chủ động có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những công trình, dự án mà nhà thầu Trung Quốc đã và đang xây dựng mà có thể bỏ dở. Chú trọng đến các chương trình như: an ninh năng lượng và an ninh về thị trường tài chính, tiền tệ".

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư