Thứ Tư, Ngày 30 tháng 04 năm 2025,
50 năm non sông liền một dải: Rạng rỡ Việt Nam
Hà Nguyễn - 30/04/2025 08:06
 
50 năm non sông liền một dải, Việt Nam - từ tro tàn chiến tranh đã nỗ lực không ngừng để trở thành nền kinh tế đứng Top 34 thế giới, đủ sức mạnh và tiềm lực để vươn mình mạnh mẽ, viết tiếp những thành công của hành trình từ thống nhất đến thịnh vượng…
Nhờ hội nhập sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở lớn bậc nhất toàn cầu.    Ảnh: Đức Thanh

1.

Nước Việt, dường như, chưa rạng rỡ thế bao giờ. Cả đất nước, dù miền xuôi hay miền ngược, dù trong Nam hay ngoài Bắc, dù giữa đô thị nhộn nhịp hay trên nẻo biên thùy yên bình, đều ngập tràn cờ hoa, ngập trong những bản hùng ca trác tuyệt về hành trình vĩ đại của dân tộc Việt Nam, hành trình 50 năm từ thống nhất đến thịnh vượng.

Đó thực sự là một hành trình vĩ đại, nếu nhìn về 50 năm trước, khi đất nước vừa qua cơn binh loạn, người dân còn đói khổ, GDP bình quân đầu người chỉ 232 đồng, tương đương 80 USD. Một con số rất nhỏ, nhất là khi so với thời giá bây giờ. Nhưng từng bước, hơn hết là nhờ công cuộc Đổi mới được Đảng khởi xướng từ gần 40 năm trước, Việt đã lớn mạnh không ngừng.

Năm ngoái, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, gấp hàng chục lần so với con số 8 tỷ USD của GDP năm 1986. GDP bình quân đầu người cũng đạt tới 4.700 USD, so với mức 80 USD thuở trước, thì thật đúng “một trời, một vực”. Kể cả so với con số 1.000 USD vào năm 2008, bước ngoặt quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, thì đây vẫn là một bước tiến vượt bậc. Còn năm nay, tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế có thể tăng lên 491 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới và xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.

Vì thế, trăm triệu người Việt Nam luôn có thể tự hào về những kỳ tích mà đất nước mình đã đạt được.

Cứ nhìn hành trình của hạt gạo nhỏ bé, cũng đủ thấy biết bao điều kỳ diệu. Trước năm 1986, dân ta gạo làm ra chẳng đủ ăn, phải nhập thêm từ nước ngoài. Cán bộ, công chức, bằng tem phiếu, được mỗi tháng mươi, mười lăm ki-lô-gram, nhưng vẫn bữa đói, bữa no, vẫn phải độn thêm khoai, thêm mì, thêm hạt bo bo cứng ngắc. Nhưng rồi, Đổi mới đến, thần kỳ thay, năm 1990, những bao gạo đầu tiên đã được xuất ra ngoài biên giới. Từ chỗ thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, sở hữu cả loại gạo ngon nhất toàn cầu. Năm ngoái, hơn 9,18 triệu tấn gạo được xuất, thu về 5,75 tỷ USD. Giữa biến động địa chính trị toàn cầu, nhiều nước lao đao lo an ninh lương thực, thì người nông dân Việt vẫn có thể nhờ lúa gạo mà ấm êm cuộc đời.

Hay hãy nhìn hành trình kỳ vĩ của những con đường Việt Nam. Đã nghe TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói về một “bước nhảy vọt mang tính thời đại”. Khi chúng ta, từ những con đường bụi mù đất đỏ, nhỏ bé, lầy lội, giờ đã có gần 2.000 km đường cao tốc, rồi còn biết bao bến cảng, sân bay hiện đại, bề thế, cả những cây cầu vượt sông sừng sững, đẹp đến vô cùng. Ngay trước đại lễ mừng nước non 50 năm thống nhất, hàng loạt dự án đã được khởi công. Đường bộ cao tốc, rồi đường sắc cao tốc Bắc - Nam chẳng mấy sẽ hoàn thành, nối trọn một giấc mơ Việt Nam. Và không chỉ là kết nối giao thông thuần túy, tư duy giờ đã đổi thay, cùng với những con đường mới mở, những hành lang kinh tế mới sẽ được xây. Khi không gian kinh tế mới mở ra, đất Việt sẽ có thêm cơ hội để tăng tốc, vươn lên…

2.

Có được những kỳ tích ấy, chủ trương, đường lối, cơ chế, quyết sách là ở Đảng, Nhà nước. Nhưng quan trọng hơn hết là ở sự nỗ lực của trăm triệu người dân, của cộng đồng doanh nghiệp Việt, cả tư nhân lẫn nhà nước, cả nội và ngoại, bởi tất cả là một thể thống nhất, phát triển vì sự phồn thịnh của dân tộc.

Năm 1975, chỉ có 17.000 hợp tác xã là cốt cán mang lương thực, thực phẩm đến cho người dân cả nước. Mô hình “doanh nghiệp” lúc ấy vẫn còn là con số “0” tròn trĩnh. Phải đến tận những năm 1990, khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời, hệ thống doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mới bắt đầu thành hình. Để đến hôm nay, con số đã đạt gần 1 triệu. Hộ kinh doanh cũng xấp xỉ 5 triệu, còn hợp tác xã là hơn 14.400 - gấp nhiều lần con số của 5 thập kỷ về trước.

Một phần trong số đó, như lời Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, đã lớn mạnh không ngừng, đã tích lũy được cả về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, đã thành danh và vươn ra thế giới, như Vingroup, Sun Group, rồi Thaco, Hòa Phát… Họ đã trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP, với rất nhiều dự án trải dài khắp mọi miền Nam - Bắc, từ những dự án làm thay đổi bộ mặt đô thị Việt Nam, đến những cái tên đã góp phần làm nên các ngành công nghiệp sắt thép, ô tô… - vốn lâu nay tưởng chỉ nước ngoài làm được.

Dân tộc Việt Nam - với tất cả những bài học từ quá khứ, với tất cả sự đoàn kết hôm nay - nhất định sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của mình.

Và không chỉ là doanh nghiệp trong nước. Công cuộc hội nhập sâu rộng, toàn diện của nền kinh tế đã góp phần đưa Việt Nam đứng trong Top 15 nền kinh tế thành công nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài. Hơn 510 tỷ USD đã được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 42.760 dự án ở Việt Nam. Những tập đoàn hàng đầu thế giới, như Intel, Samsung, LG, Foxconn, Goertek… đã đến đây để xây cứ điểm sản xuất, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Không phải chỉ trong những ngành công nghiệp truyền thống, mà cả trong các ngành công nghiệp tiên phong, như bán dẫn, AI…

Cũng nhờ hội nhập sâu rộng và toàn diện, từ chỗ là một nước nông nghiệp lạc hậu, gặp khó khăn vô cùng vì bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có độ mở lớn bậc nhất toàn cầu. Xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt mốc 700 tỷ USD từ năm ngoái, trong khi năm 1990, con số chỉ là 2,4 tỷ USD. 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã được ký. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 12 quốc gia trên thế giới, là bạn bè, là đối tác tin cậy với các nền kinh tế ở năm châu bốn bể. Tất cả đã mở ra cơ hội phát triển chưa từng có…

Còn nhiều, rất nhiều điều có thể kể để nói về những điều kỳ diệu mà Việt Nam đã làm được. Đâu phải ngẫu nhiên, các chuyên gia cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà lãnh đạo nước ngoài, đều đánh giá cao Việt Nam trong hành trình từ thống nhất đến thịnh vượng.

GS. Lâm Nghị Phu, nguyên Kinh tế trưởng và Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) và hiện là Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã rất hào hứng nói rằng, sự phát triển của kinh tế Việt Nam kể từ Đổi mới là “rất ấn tượng”. Ông cũng ấn tượng trước khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam. Còn nhà báo Lăng Đức Quyền của Tân Hoa xã không ngần ngại nhận xét, Việt Nam đã trải qua “cuộc chuyển mình to lớn sau nửa thế kỷ”.

3.

Cuộc chuyển mình to lớn sau 50 năm khiến cả trăm triệu người dân nước Việt có thể tự hào. Một cuộc kiến thiết đất nước sau đạn bom chiến tranh, có thể nói, là kỳ vĩ vô cùng. Rất nhiều dự báo từ các tổ chức quốc tế cho rằng, 5-10 năm nữa, kinh tế Việt Nam sẽ tiến xa một bậc. IMF đánh giá, năm 2029, quy mô kinh tế Việt Nam sẽ đạt 627 tỷ USD, vượt qua Thái Lan (616 tỷ USD) để trở thành nền kinh tế lớn thứ 32 trên thế giới và thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Còn Trung tâm Dự báo, phân tích kinh tế độc lập (CEBR) của Anh cho rằng, Việt Nam có thể vươn lên hạng 25 vào năm 2039…

Những dự báo khiến người Việt Nam nức lòng và tin hơn vào khát vọng thịnh vượng của dân tộc. Đảng ta đã đặt những mục tiêu to lớn vào các dấu mốc 2030 và 2045. Còn Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Có thể nào không, khi mà kinh tế cả thế giới và Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Yếu tố bất định lớn vô cùng khi biến động địa chính trị, biến động thương mại toàn cầu gắn với vô vàn ẩn số. Nguy cơ tăng trưởng chậm lại, thậm chí là nguy cơ sập bẫy trung bình vẫn được nhắc tới, dù Đảng và Chính phủ rất quyết tâm, năm nay tăng trưởng trên 8%, để tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Chỉ có tăng trưởng 2 con số, thì khát vọng thịnh vượng mới có thể là hiện thực.

Dù cơ hội là rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Càng trong gian khó, khát vọng của dân rộc càng thêm cháy bỏng. Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết được công bố ngay trước thềm đại lễ của dân tộc, đã nói rằng, chúng ta không thể để đất nước tụt hậu, không thể để dân tộc đánh mất cơ hội.

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nói rằng, 50 năm trước, dân tộc Việt Nam đã viết nên một bản anh hùng ca chói lọi bằng ý chí sắt đá và bản lĩnh kiên cường, đó là bản hòa ca của ý chí, quyết tâm, thống nhất và hòa bình. Nửa thế kỷ sau, chính dân tộc ấy đang tiếp tục viết nên một bản hùng ca mới - bản hòa ca của đổi mới, hội nhập, phát triển và ý chí vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ XXI… Và rằng, dân tộc Việt Nam - với tất cả những bài học từ quá khứ, với tất cả sự đoàn kết hôm nay - nhất định sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của mình.

Khát vọng thịnh vượng, sáng tạo và xã hội an toàn
Đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thịnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư