Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII
Khát vọng thịnh vượng, sáng tạo và xã hội an toàn
Đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng.

Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, tiếp tục thúc đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, thế và lực đã lớn mạnh hơn; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 340 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.500 USD/năm (theo số liệu của Tổng cục Thống kê đánh giá lại), sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế có bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu còn lớn; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại.  Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn còn là thách thức lớn. Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về nguồn nước, tài nguyên và đất đai; biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khốc liệt và khó lường.  Già hóa dân số tăng nhanh, dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội... 

Trong bối cảnh đó, cần đổi mới tư duy phát triển, đẩy mạnh cải cách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng.

1. Khơi dậy khát vọng thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường là sức mạnh nội sinh, là yếu tố quyết định cho đất nước ta trong chiến lược phát triển 10 năm tới.

 Khát vọng thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh là nguyện vọng của mỗi người dân, cũng là ý chí của Đảng và Nhà nước ta. Đất nước đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới, để bắt kịp các nước trong khu vực, tránh tụt hậu xa hơn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Thử hình dung, đất nước sau 10 năm nữa sẽ sao sao? Đến lúc đó, Việt Nam là một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD/người; quy mô nền kinh tế khoảng 750 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

Để có thịnh vượng về kinh tế, Nhà nước phải có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả, trong đó môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp loại thứ hạng cao. Thực tế trong thời gia qua cho thấy, việc lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Phải lấy thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai.

Phải tập trung phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất. Bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Nhà nước tập trung xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại, đầu tư, kinh doanh… theo nguyên tắc thị trường.

Bộ máy của Nhà nước phải bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra phải làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự.

Tập trung xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất mới quy mô quốc gia, có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.

Xây dựng cho được Nhà nước pháp quyền kiến tạo phát triển, tạo đột phá trong xây dựng thể chế phát triển, cải cách hành chính. Có bộ máy nhà nước sẵn sàng cống hiến vì đất nước, thúc đẩy tăng trưởng cao, bền vững; có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước.

2. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo là con đường duy nhất và ngắn nhất để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo là trao quyền, thúc đẩy dân chủ trong đời sống kinh tế, xã hội, xây dựng văn hóa phản biện, kích thích bày tỏ ý kiến và chính kiến cá nhân.

Nhà nước cần đổi mới mạnh mẽ việc phân cấp, trao quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương, đồng thời bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo của địa phương.

.
Mô hình Tòa nhà Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Viettel.

Việc phát triển mạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; Nhà nước cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao phù hợp với cơ chế thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng nhà khoa học người Việt ở nước ngoài.

Đổi mới các chính sách quản lý đất để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất; thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn.

3. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của người dân. Nhà nước phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương.

Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế. Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khát vọng vươn lên. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên. Từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu; đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục.

Nâng cao chất lượng không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề. Đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các băng nhóm tội phạm ma túy, có vũ trang, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

Tập trung cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; lấy kết quả phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá. Tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản. Chú trọng công tác dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm, chữa trị kịp thời; hầu hết dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là cho những người yếu thế, người nghèo. Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực trẻ em. Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; bảo đảm người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tự quản của cộng đồng, các phương thức hòa giải cấp cơ sở.

Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Các nội dung chính lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII
Ban Tuyên giáo Trung ương có hướng dẫn số 151-HD/BTGTW về việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư