Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Góp ý văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Hạnh Nguyên - 30/10/2020 10:40
 
Đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

LTS: Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Đầu tư mở chuyên mục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (xem toàn văn dự thảo các văn kiện trên Báo Đầu tư điện tử tại địa chỉ baodautu.vn). Ban Biên tập Báo Đầu tư rất mong nhận được ý kiến đóng góp quý giá của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho dự thảo. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ [email protected].

Đào tạo nhân lực công nghệ tại Khu tổ hợp đại học và công viên phần mềm của FPT tại Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: L.H
Đào tạo nhân lực công nghệ tại Khu tổ hợp đại học và công viên phần mềm của FPT tại Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: L.H

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Để bà bán rau, ông bán nước là… công dân số

Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Ban Dân vận tổ chức từ ngày 26 đến 28/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, điểm mới trong văn kiện lần này thể hiện sự đáp ứng những đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ kinh nghiệm thành công của các nước.

Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dự thảo văn kiện đã bổ sung yếu tố dân chủ, gắn vận mệnh dân tộc, đất nước vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại. Nội dung về xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Các đại biểu đánh giá, các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được chuẩn bị công phu, tổng kết đánh giá thực tiễn, có tính khái quát cao. Trong đó, nhiều nhận định sâu sắc, đúc rút thành lý luận xứng tầm báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của Đại hội.

Góp ý cho các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong kỷ nguyên số và trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.

GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, các văn kiện cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước thế nào, còn những vấn đề gì. Chẳng hạn, dự thảo nói: “Chương trình sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”. “Điều này ‘đúng mà không đúng’, bởi cả xã hội đang xôn xao và chúng ta cần đi sâu vào bản chất xem quần chúng mong muốn gì ở sách giáo khoa”, GS. Dong nói.

GS. Dong cũng cho rằng, dự thảo văn kiện cần làm rõ các định hướng vừa được ban hành tới đây sẽ được triển khai thế nào, như Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, Nghị quyết 52/NQ-TW của Trung ương hay Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng. “Trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào”, GS. Dong nói và cho rằng, nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu mới.

Công dân số, theo GS. Dong, có nghĩa là từ bà bán rau, ông bán nước cũng sử dụng được các tiện ích số. “Có những bà bán nước nuôi 5 con ăn học, rồi mày mò dạy cho trẻ em sửa được máy tính. Rất nhiều gia đình nông dân, dòng họ người Mông đã có một nửa số gia đình mua ô tô, nhà nào cũng có ô tô, xe máy, xây lại nhà… Họ có thể sử dụng được các phương tiện số”, ông dẫn dụ.

Chính sách cho người lao động phải đồng bộ

PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”, bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Dự thảo cần ghi thêm: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường đại học, cao đẳng còn phân tán”.

“Đại học, cao đẳng là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến việc liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường cao đẳng ở nước ta rất lớn, nhưng văn kiện chưa đề cập”, PGS. Nhĩ phân tích.

Cũng quan tâm tới nội dung về mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng nghị quyết đi vào cuộc sống, bởi việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã nhiều lần được xác định là khâu đột phá, song đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Từ Đại hội XI, XII, chúng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Lần này, dự thảo văn kiện tiếp tục khẳng định rằng, thể chế là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó là hạ tầng, kết cấu hạ tầng. Nhưng trong từng giai đoạn phát triển, phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Lấy ví dụ, ông Tiêm cho biết, theo điều tra từ năm 2019, công nhân lao động cả nước ở trình độ tiểu học, trung học cơ sở còn hơn 30%; trình độ trung học phổ thông trở lên là 68%. Về đào tạo nghề cho công nhân lao động, mặc dù doanh nghiệp cố gắng tham gia, nhưng mới dừng lại ở tỷ lệ 43%. Đặc biệt, về trình độ tay nghề, thợ bậc 4 đến bậc 7 còn rất khiêm tốn; công nhân bậc cao rất ít, hiếm.

Trong 5 năm qua, công nhân lao động học về tin học, ngoại ngữ chỉ chiếm chưa đến 10%. Mặt khác, điều kiện khoa học công nghệ chưa được đồng bộ, nên năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực, kéo theo thu nhập của người lao động ở mức thấp. Thu nhập thấp đồng nghĩa với việc công nhân lao động phải tăng số giờ làm thêm.

“Công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần, song thực tế, phần lớn làm việc 60 giờ trở lên, thậm chí đến 70 giờ/tuần. Như vậy làm sao họ có thời gian học tập”, ông Tiêm trăn trở.

Lo lắng cho tương lai đội ngũ lao động trực tiếp của đất nước, ông Tiêm mong muốn có sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo, bởi khi công nhân lao động được học tập suốt đời, được nâng cao trình độ đào tạo tại đơn vị, thì tay nghề và thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên.

“Chúng tôi đang đấu tranh để sắp tới, công nhân chỉ phải làm việc 40 giờ/tuần, có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tham gia học tập… Rất mong Nghị quyết nêu ra chính sách phải có sự đồng bộ giữa giáo dục - đào tạo - khoa học công nghệ và chính sách tiền lương, an sinh xã hội để mọi người dân cùng tích cực tham gia học tập. Đó mới là mục tiêu cho sự phát triển bền vững thời gian tới”, ông Tiêm chia sẻ.

Cùng với những ý kiến trên, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho ý kiến nhiều vấn đề khác như văn hóa, xã hội, con người; định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại và tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng...

Cách mạng 4.0: Doanh nghiệp lo ngại nhất rào cản chất lượng nguồn nhân lực
Cuộc khảo sát hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp, giám đốc nhân sự đang cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực đang là rào cản khó vượt qua nhất trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư