Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
56 địa phương vẫn tăng thu, thu ngân sách đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, vượt dự toán
Mạnh Bôn - 06/01/2021 08:45
 
Số liệu vừa được Tổng cục Thuế công bố cho biết, năm 2020 số thu ngân sách do ngành thuế quản lý đạt 1.278.649 tỷ đồng, vượt 1,9% dự toán (24.349 tỷ đồng).

Con số này cũng vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội.

.
.

Vượt xa so với số thu đã báo cáo Quốc hội

Đặc biệt, trong số thu do ngành thuế quản lý, thu từ nội địa vượt 2% dự toán (24.973 tỷ đồng), vượt 173.773 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội.

“So với dự toán có 56/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó có một số địa phương vượt trên 10% như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiến Huế, Lào Cai… 41/63 địa phương có tăng trưởng thu (tăng thu so với năm 2019) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất các các lĩnh vực, đặc biệt là xuất-nhập khẩu; hàng không; sản xuất ô tô, điện tử, máy tính, dệt may, da giày… Không những thế, bão lũ, thiên tai đã gây thiệt hại lớn đến các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống nhân dân và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu ngân sách”, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2020, ngành thuế đã thực hiện gần 84.000 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; kiểm tra gần 804.600 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 71.876 tỷ đồng, bằng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019, tổng số tiền thuế đã nộp vào ngân sách là 12.435 tỷ đồng.

“Năm 2020, đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh (nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không,...) thì chưa thực hiện thanh, kiểm tra. Đối với doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và  doanh nghiệp có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, cơ quan thuế liên hệ với doanh nghiệp để sắp xếp thời gian thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp”, ông Tuấn nói thêm.

Theo Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, năm 2020 là năm đầy khó khăn thử thách đối với toàn nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm gần 4%. “Trong đó Việt Nam nổi lên là điểm sáng hiếm hoi trên toàn cầu không chỉ trên mặt trận chống dịch bệnh Covid-19, mà còn là một trong số nền kinh tế hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương”, ông Bình nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2021 vừa được Tổng cục Thuế tổ chức.

“Mặc dù kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 2,91% - thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra (6%) nhưng thu ngân sách vẫn đạt 1.278.649 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán. Đáng chú ý có 56 địa phương tiếp tục tăng thu, đóng góp rất lớn vào tổng số thu ngân sách của cả nước”, ông Bình đánhh giá.

Năm 2020 là năm thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn nhất trong cả giai đoạn vừa qua, tuy nhiên, số thu nội địa năm 2020 vẫn chiếm 86,5% trong tổng thu ngân sách nhà nước, cao hơn so với bình quân 84,8% của giai đoạn 2016-2019, và mức 68% của giai đoạn 2011-2015. “Điều này cho thấy nguồn thu thuế đã chuyển biến theo hướng bền vững hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu”, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá.

Thu rốt ráo tiền thuế, tiền sử dụng đất gia hạn năm 2020

Nợ thuế luôn là nỗi “ám ảnh” của ngành thuế và luôn là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Năm 2020 nợ thuế càng trở thành gánh nặng khi cơ quan thuế phải thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền sử dụng đất 5 tháng cho 184.900 lượt người nộp thuế với tổng số tiền lên tới 117.500 tỷ đồng (bao gồm cả số thuế miễn, giảm) nhằm chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối phó với đại dịch Covid-19.

Mặc dù số tiền gia hạn lên tới 117.500 tỷ đồng, tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế mà ngành thuế quản lý tính đến thời điểm cuối năm 2020 đã giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá cao năm 2020, toàn ngành thuế đã hoàn thành tốt công tác quản lý thuế trong bối cảnh bình thường mới, đặc biệt là việc gia hạn nợ thuế, tiền thuê đất, và công tác thu hồi nợ đọng thuế.

“Công tác quản lý nợ được triển khai rất tốt, nhờ đó đã thu được 96% số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn, giảm số tiền nợ thuế khoảng 5,5% so với cuối năm 2019, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước”, ông Bình biểu dương đồng thời cũng cho rằng một số chính sách thuế không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước do phải cạnh tranh không công bằng với hàng hoá nhập khẩu, trong đó có thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón trong nước (hiện thuộc mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng nên không được hoàn thuế đầu vào).

Các chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới, theo Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, phải hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh như thế mới tạo ra nguồn thu bền vững.

“Vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam, thậm chí, có vụ việc phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý”, ông Bình nhắc nhở.

Năm 2021, theo ông Cao Anh Tuấn, ngành thuế tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế, xây dựng và triển khai nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tập trung vào những doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao; triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá nhân kinh doanh.

“Riêng công tác quản lý nợ thuế, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 cho cơ quan thuế các cấp, thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ, phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2021 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2021”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7,8 triệu tỷ đồng
Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư