Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
6 cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/6
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/6 của các công ty chứng khoán.

1. STK: Sẽ niêm yết trong tháng 7/2015

CTCK BIDV (BSC)

Tại Việt Nam hiện có tổng số 5 nhà máy sản xuất sợi polyester, trong đó Formosa là đối thủ chính của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK). 5 nhà máy sản xuất sợi polyester tại Việt Nam là STK (công suất 37.000 tấn DTY & FDY hàng chất lượng cao), Formosa (38.000 tấn DTY & FDY hàng chất lượng cao), Hualon (84.000 tấn DTY, hàng phân khúc thấp giá thấp), Đồng Tiến Hưng (20.400 tấn DTY, hàng phân khúc thấp giá thấp) và PVTex (chưa hoạt động chính thức).

Tiếp tục đầu tư tăng công suất, mục tiêu tổng công suất đạt 60.000 tấn năm 2017. Công suất của STK hiện là 37.000 tấn, dự kiến sẽ tăng thêm 7.500 tấn vào tháng 7/2015 sau khi một nửa giai đoạn 3 nhà máy Trảng Bàng được chính thức đưa vào hoạt động, nâng tổng công suất của STK lên thành 44.500 tấn. Dự kiến sản lượng sản xuất trong năm 2015 của STK sẽ là 41.000 tấn. Đến giữa năm 2016 toàn bộ giai đoạn 3 của nhà máy sẽ được vận hành; và đến năm 2017 sẽ hoàn thành xong giai đoạn 4 của nhà máy Trảng Bàng, nâng tổng công suất đạt 60.000 tấn.

Sản phẩm của STK chủ yếu được xuất khẩu. Năm 2014, cơ cấu hàng xuất khẩu chiếm 77% trên tổng doanh thu, còn lại 23% được tiêu thụ trong nước (một số khách hàng nội địa như TCM, Thái Tuấn,…). STK có mạng lưới khách hàng rộng lớn trên toàn cầu, trong quý I/2015, STK có thêm 4 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 938.

Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của STK tăng trưởng ấn tượng 42,62% so với năm trước, đạt 106 tỷ đồng. Doanh thu thuần 2014 đạt 1.457,52 tỷ đồng chỉ tăng 0,31% so với năm 2013 do giá sợi giảm, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 42,62% so với năm trước là do (1) Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ công ty tăng tỷ trọng sản phẩm sợi nhuyễn là sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn (biên lợi nhuận gộp 2014 đạt 14,6% tăng so với mức 12,2% của năm 2013); (2) Cơ chế quản lý giá bán thành phẩm và giá mua NVL hiệu quả, tăng price gap 5,9% so với 2013; (3) Kiểm soát tốt chi phí QLDN và chi phí bán hàng (chỉ chiếm 4,59% doanh thu thuần mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây); (4) Chi phí lãi vay giảm mạnh do lãi suất giảm và công ty trả bớt nợ vay.

Kết quả kinh doanh quý I/2015 giảm so với cùng kỳ do giá nguyên liệu giảm kéo theo sự giảm giá của thành phẩm. Tổng kết quý I/2015, doanh thu của STK đạt 317 tỷ đồng (-7% so với kế hoạch 2015 và -14% so với cùng kỳ năm ngoái), nguyên nhân do giá polyester chip giảm dẫn đến giá bán thành phẩm giảm theo.

Ngoài ra, doanh số giảm 4.1% so với kế hoạch do STK tập trung bán mặt hàng sợi cao cấp có giá trị gia tăng cao hơn. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 đạt 25,4 tỷ đồng (-3% so với cùng kỳ năm ngoái) do doanh số và giá bán đều giảm.

Dự kiến cổ phiếu STK sẽ được niêm yết trong tháng 7/2015.

2. DPM: Khuyến nghị thêm vào

CTCK FPT (FPTS)

Trong năm 2015, chúng tôi dự báo TCT Phân Bón & Hóa Chất Dầu Khí - CTCP (HOSE: DPM) sẽ đạt 1.268 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng EPS đạt 2.900 đồng/cp. Bằng phương pháp định giá DCF, giá mục tiêu năm 2015 của DPM là 33.900 đồng/cp, cao hơn 15,3% so với giá hiện tại.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị THÊM đối với cổ phiếu này. Trong năm 2015, hoạt động kinh doanh của DPM cũng như các doanh nghiệp trong ngành sẽ xoay quanh vấn đề luật thuế mới và hưởng lọi từ giá dầu giảm do giá khí đầu vào của công ty đã được thả nổi.

Các dự án mới của công ty sẽ đóng góp lợi nhuận cho công ty từ năm 2016 (dự án UFC85/Formaldehit) và 2017 (dự án Amoniac/NPK hóa học) trở đi. DPM là công ty hoạt động trong ngành tương đối ổn định, có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đều đặn, với mức chi trả cổ tức cao là 25% ứng với tỷ suất cổ tức 8,3% hấp dẫn hơn so với lãi suất ngân hàng hiện tại.

3. DCM: Khuyến nghị thêm vào

CTCK FPT (FPTS)

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ PVN để đảm bảo mức ROE bình quân là 12% sẽ giúp công ty giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ việc thay đổi tỷ giá, luật thuế mới và giá phân bón đạm giảm. Tuy nhiên, điểm tích cực đối với DCM là mặc dù công ty mới cho ra sản phẩm đạm hạt đục trong 3 năm trở lại đây nhưng nhà máy đã hoạt động ở mức công suất tối đa và nhận được sự quan tâm từ các nhà nhập khẩu trên thị trường khu vực.

Chúng tôi dự phóng trong năm 2015, DCM đạt 5.790 tỷ đồng doanh thu thuần và 852 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS(F) là 1.600 đồng/cp, bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) chúng tôi đưa ra khuyến nghị THÊM đối với DCM với giá mục tiêu 14.100 đồng/cp.

4. SFG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Hai sản phẩm chính của CTCP Phân Bón Miền Nam (HOSE: SFG)  là supe lân và NPK nhưng đóng góp chủ yếu là mảng kinh doanh NPK. Hoạt động kinh doanh NPK của công ty theo chúng tôi dự báo sẽ không có nhiều chuyển biến lớn khi tương quan cung cầu trong nước ở mức ổn định và sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt khi sẽ có thêm các dự án NPK mới được triển khai và đưa vào hoạt động.

Công nghệ NPK của công ty chủ yếu là công nghệ hơi nước thùng quay và công nghệ phối trộn với rào cản cạnh tranh thấp (60-70% các nhà sản xuất NPK sử dụng). Trong năm 2015, chúng tôi dự báo LNST công ty đạt 107 tỷ đồng, tương ứng EPS(F) đạt 2.300 đồng/cp. Với mức PE hiện tại của ngành 7,5 chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý của SFG là 17.300 đồng/cp, do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu này.

5. LAS: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Tương tự như SFG nhưng thị trường hoạt động kinh doanh của CTCP Supe Phốt Phát Và Hóa Chất Lâm Thao (HNX: LAS) chủ yếu ở phía Bắc, chúng tôi dự phóng LNST năm 2015 của LAS ước đạt 330 tỷ, tương ứng EPS(F) là 3.800 đồng/cp. Với mức PE bình quân ngành là 7,5, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý của LAS là 28.500 đồng/cp, do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu này.

6. DIG: Kết quả kinh doanh quý II sẽ cải thiện mạnh

CTCK MB (MBS)

DIG công bố kết quả kinh doanh quý 1 2015. Theo đó, doanh thu đạt 110 tỷ VNĐ, giảm 39.49% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 435 triệu VNĐ, giảm 97.24 % so với cùng kỳ.

Doanh thu của Công ty giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do kỳ nghỉ tết kéo dài dẫn đến công tác hoàn thiện và bàn giao các dự án bất động sản (chủ yếu là Cao ốc Thủy Tiên – TP Vũng Tầu) bị chậm, dẫn đến chưa thể hạch toán doanh thu và lợi nhuận.

Đối với các công ty con trong hệ thống hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng có sản lượng thấp do Quý I thường là quý kinh doanh thấp điểm. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của DIG thường tạm ngừng sản xuất để bảo dưỡng thiết bị.

Cao ốc Thủy Tiên được xây dựng trên tổng diện tích 3.589m2 với quy mô cao 18 tầng gồm 194 căn hộ. Giá bán căn hộ dao động từ 15,5 tr - 17,5 triệu tùy theo vị trí (Đã bao gồm VAT và 2% phí bảo trì. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và sắp bàn giao cho khách hàng.

Chúng tôi đánh giá kết quả kinh doanh quý II/2015 của DIG sẽ có sự cải thiện mạnh so với quý I/2015.

Tổng giám đốc FIT: Sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong tháng 8/2015
Tổng giám đốc FIT cho biết, Công ty đang hoàn thiện thủ tục, kỳ vọng có thể hoàn thành chuyển sàn trong 2 tháng nữa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư