Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
7 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2020
Như Chính - 03/07/2020 08:23
 
Quy định mới thuế nhập khẩu linh kiện ô tô; Hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2020.

1. Quy định mới về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Nghị định 53/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/05/2020 của Chính phủquy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; trong đó có những điểm mới về đối tượng chịu phí cũng như mức phí. Nghị định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016.

2. Hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Nghị định số 55/2020/NĐ-CP ban hành ngày 22/05/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu lực từ ngày 15/07/2020.Trong đó, Nghị định số 55/2020/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

3. Quy định mới thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2020, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ban hành ngày 25/05/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Trong đó, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 7b về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 - năm 2024 (Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô) vào Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm CNHT ô tô).

4. Mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định rõ tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/05/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.

Theo Nghị định, người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức sau:

a- Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

b- Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu bảo đảm các điều kiện sau:

- Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH.

- Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

Nghị định quy định người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội (Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí).

5. Nghị định mới về vị trí việc làm và biên chế công chức

Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ban hành ngày 01/06/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức có hiệu lực từ 20/7/2020.

Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức xác định vị trí việc làm cho công chức phải căn cứ vào: 1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; 2- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc; theo tính chất, nội dung công việc.

Cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương) căn cứ vào quy định trên và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định

6. Tăng số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II

Có hiệu lực từ 1/7/2020, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/06/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.

Cụ thể, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 7 về số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP. Theo đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND ở đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau: - Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn: Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện quy định xã loại II chỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); xã loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND; - Đối với đơn vị hành chính ở đô thị: Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện hành quy định phường, thị trấn loại IIchỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

7. Giảm 50% phí xử lý vụ việc cạnh tranh

Theo Thông tư số 58/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh, kể từ ngày 27/7/2020 tới hết ngày 31/12/2020, người có yêu cầu độc lập tham gia trong các vụ việc cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (theo quy định tại Điều 72 Luật Cạnh tranh); và người nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (theo quy định tại Điều 16 Luật Cạnh tranh) sẽ được giảm tới 50% mức thu theo Điều 4 quy định tại Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

Cụ thể: Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ là 5 triệu đồng/vụ việc thay cho mức hiện hành 10 triệu đồng/vụ việc; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh sẽ là 25 triệu đồng/hồ sơ thay cho mức 50 triệu đồng/hồ sơ hiện nay. Như vậy mức thu theo Thông tư mới này đã được giảm 50% so với mức thu theo quy định tại Thông tư số 251/2016/TT-BTC.

Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thu trên sẽ trở lại quy định theo Điều 4 Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

Bộ Tài chính cho biết việc ban hành quy định này nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chính phủ trình Quốc hội mở rộng đối tượng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Ngày 18/6 Chính phủ đã gửi Quốc hội tờ trình mới về giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư