Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
8 cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/7
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/7 của các công ty chứng khoán.

1. KDC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Điểm nhấn đầu tư.

- Doanh thu kế hoạch giảm mạnh, lợi nhuận tăng đột biến. Năm 2015, KDC đã đặt kế hoạch doanh thu ở mức 3.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế là 6.500 tỷ đồng, so với thực hiện năm 2014, doanh thu giảm 40% và lợi nhuận tăng cao hơn 9 lần.

- KDC dự kiến có khoảng 9.658 tỷ sau khi chuyển giao 100% sỡ hữu Công ty Kinh Đô Bình Dương (KDBD) cho Mondelez. Trong đó: (1) 4.620 tỷ đồng sẽ được sử dụng để chia cổ tức đặc biệt 200% cho cổ đông, sẽ thực hiện ngay khi nhận tiền từ chuyển giao 80% KDBD; (2) 3.223 tỷ được dùng làm nguồn vốn khi Công ty tìm kiếm được các cơ hội đầu tư mới; (3) phần còn lại 1.723 tỷ đồng dành cho các dự án hiện có của KDC trong các ngành hàng các sản phẩm từ sữa, mì gói – gia vị, dầu ăn,….

- Sẽ thực hiện chia cổ tức 200% sau khi nhận tiền chuyển nhường từ đối tác. Hiện tại, Công ty cho biết đã hoàn thành xong thủ tục chuyển giao CTCP Kinh Đô Bình Dương và đang chờ cấp phép của nhà nước. Với nguồn tiền dồi dào từ hoạt động chuyển nhượng, KDC sẽ tiếp tục đầu tư vào hai ngành hàng mới là mì gói – gia vị và dầu ăn, đồng thời tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm của ngành hàng từ sữa hiện có của Công ty cũng như sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư khác.

- So với kế hoạch của Công ty, dự báo của chúng tôi ước tính không chênh lệch nhiều về doanh thu tuy nhiên lợi nhuận sẽ cao hơn khoảng 9%. Chúng tôi dự báo doanh thu của năm 2015 là 3.108 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5.547 tỷ đồng trong đó 5.184 tỷ là lợi nhuận tài chính từ bán 80% KDBD.

Khuyến nghị: Với kinh nghiệm về quản lý, hệ thống phân phối sẵn có và nguồn lực tài chính tốt, KDC đang có nhiều lợi thế để triển khai những ngành hàng mới tuy nhiên Công ty sẽ phải mất tối thiểu 3 năm nữa để có thể trở về mức lợi nhuận tương đương với ngành bánh kẹo trước đây. Trong số  các ngành hàng mới, chúng tôi đánh giá KDC sẽ sớm thành công trong lĩnh vực dầu ăn nhờ việc cải thiện hoạt động, tận dụng các lợi thế về kho bãi và sản xuất của Vocarimex cũng như có được nguồn nguyên liệu giá tốt thông qua liên doanh dầu ăn sắp tới với FGC và ITL. Trong ngắn hạn, hai năm 2015 và 2016 nguồn lợi nhuận từ bán công ty con tiếp tục đóng lớn vào lợi nhuận của KDC.

Tại mức kỳ vọng 51.400 đồng/cp chúng tôi chỉ tính đến phần lợi nhuận từ các mảng kinh doanh trong năm 2015 của KDC và lợi nhuận từ bán công ty con. Ngoài ra, các khoản đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các công ty liên kết (đáng chú ý là CTCP đầu tư Lavenue) cũng như phần tiền mặt còn khá lớn của Công ty vẫn chưa tính toán đến. Hiện tại, giá kỳ vọng chênh lệch khoảng 20% so với thị giá KDC, do đó chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu KDC.

2. PET: Khuyến nghị mua vào

CTCK Dầu khí (PSI)

Điểm nhấn đầu tư:

Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET – sàn HOSE) là đơn vị phân phối sản phẩm viễn thông và công nghệ thông tin lớn. Lĩnh vực dịch vụ dầu khí mang mang lại hiệu quả cao, ổn định các năm qua và đang tăng trưởng tốt.

Công ty có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí. Tài chính lành mạnh: tài sản hoạt động lớn, nguồn vốn dồi dào giúp công ty ổn định phát triển.

Giá cổ phiếu ở mức thấp tương đối so với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng (PE ngành ở mức 12.2, trong khi PE của PET ở mức 8.2).

Định giá: Kết quả kinh doanh 6 tháng: ước đạt 5.200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 160 tỷ đồng, hoàn thành 54% và 64% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.

PSI dự báo kết quả kinh doanh năm 2015 khả quan với doanh thu đạt 11.002 tỷ đồng, bằng 95% năm 2014, lợi nhuận trước thuế đạt 321 tỷ đồng, bằng 100% năm 2014, lần lượt vượt 16% và 28% kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2015.

Kết quả định giá: Theo FCFE: 24.100 đồng/cổ phần; Theo PE: 23.000 đồng/cổ phần.

PET: PE rẻ hơn trung bình ngành, ở mức 8,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng 2% so với cùng kỳ, đạt 158 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 5.100 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ 2015. PET cho biết doanh thu giảm là do mảng phân phối, chiếm khoảng 80% doanh thu, giảm 15% so với cùng kỳ 2015 (doanh thu từ phân phối Samsung giảm).

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 158 tỷ đồng, hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2015. PET cho biết lợi nhuận tăng là do biên lợi nhuận gộp mảng phân phối tăng do tăng tỷ trọng phân phối các sản phẩm của Lenovo, Philips & HTC có biên lợi nhuận cao hơn Samsung.

Bên cạnh đó, PET dự kiến chia 15% cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015, tương ứng lợi tức cổ tức khá cao 8,1%. Chúng tôi cho rằng, việc chia cổ tức là tương đối khả thi với Tỷ lệ cổ tức/EPS xấp xỉ ở mức hợp lý 67,5%. Tính đến cuối quý I/2015, PET duy trì tiền và tương đương tiền là 1.614 tỷ đồng ( ~ 7.200 đồng/cp). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết quý I/2015 là 340,7 tỷ đồng (~ 4.000 đồng/cp).

Kỳ vọng lợi nhuận đột biến từ Bất Động Sản trong nửa cuối 2015. PET cho biết trong năm 2015 công ty kỳ vọng sẽ hoàn tất thương vụ chuyển nhượng dự án Cape Pearl - Thanh Đa. Lãnh đạo chia sẻ giá vốn của dự án Thanh Đa là 98 tỷ đồng trong khi định giá dự án có thể sẽ không dưới 200 tỷ đồng. Với thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên, chúng tôi đánh giá cao khả năng PET sẽ hoàn tất thương vụ này trong 2015. Lưu ý rằng kế hoạch kinh doanh 2015 chưa bao gồm lợi nhuận từ dự án Cape Pearl - Thanh Đa.

Dự án nhà ở Nghi Sơn với quy mô 580 căn hộ chung cư và 24 biệt thự. PET đã ký hợp đồng đầu ra cho thuê thời hạn 10 năm. Đồng thời cũng đã ghi nhận tạm ứng của khách hàng 150 tỷ đồng. Lãnh đạo cho biết dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 3/2016, doanh thu hàng năm là khoảng 100 tỷ đồng và lợi nhuận mỗi năm xấp xỉ 10% doanh thu.

Ngoài ra, PET cũng đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để tiến hành triển khai dự án khu dân cư số 63 đường 30/04, TP.Vũng Tàu.

PET cho biết mảng cung ứng vật tư thiết bị có thể hưởng lợi từ dự án Block B Ô Môn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho dự án này.

Theo kế hoạch, PET đang giao dịch tại P/E 8,3 lần rẻ hơn so với trung bình ngành trong khu vực là khoảng 10 lần và so với VN-Index khoảng hơn 13 lần. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý, PET đã hoàn tất phát hành thêm 13,27 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho năm 2014 và ngày chính thức giao dịch là 15/07/2015.

3. LGC: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Cơ khí điện Lữ Gia (LGC – sàn HOSSE) sau giai đoạn rơi mạnh trong tháng 3 đã di chuyển đi ngang khá ổn định trong suốt thời gian sau đó.

Những chuyển động tích cực hơn được chúng tôi ghi nhận từ giai đoạn cuối tháng 6 khi đường giá thường xuyên “bám sát” bên dưới mức MA trung hạn.

Hai phiên gần đây cho thấy sự bứt phá mạnh của giá, vượt lên trên MA trung hạn và đồng thời tạo lập mức đỉnh cao mới.

Xu hướng hiện tại của LGC do đó chuyển sang tăng.

Thanh khoản cho thấy sự chủ động hơn của bên mua khi liên tục ở mức cao trong các phiên nhưng khá thấp trong các phiên giá giảm.

Quan trọng hơn, KLGD ba phiên liên tiếp đều tăng vọt và nằm cao hơn mức trung bình 50 ngày, cho thấy dòng tiền vào pha mở rộng.

Chỉ báo kỹ thuật lạc quan. MACD kiểm tra lại thành công tín hiệu vượt lên trên đường 0 trước đó, hầu hết các chỉ báo khác trong vùng lạc quan.

Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào LGC ở mức giá hiện tại quanh 27.3; Mục tiêu gần nhất tại: 32.0 (+17,2%); Dừng lỗ ngắn hạn tại: 24.6 (-9,9%).

4. TRA: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Cập nhật nhanh, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 tốt với doanh thu tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 930 và 80 tỷ đồng. Như kỳ vọng của chúng tôi, việc tái cơ cấu hệ thống phân phối và chính sách bán hàng mà công ty đã thực hiện trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực.

Chiến lược bán hàng mới giúp TRA có thể kiểm soát tốt hơn hệ thống khách hàng với khoảng 20.000 khách hàng bán lẻ là các nhà thuốc (so với mức 18.000 khách của 2014), đội ngũ bán hàng và đặc biệt là công ty có thể kiểm soát được cả giá bán lẻ của sản phẩm trên thị trường. Các thay đổi này là khá quan trọng và tích cực đối với việc tiêu thụ sản phẩm của TRA. Từ cuối 2013 và trong 2014, do chưa kiểm soát được hoặc kiểm soát chưa tốt các khâu này, hoạt động kinh doanh của TRA đã gặp khá nhiều khó khăn.

Với các cải thiện mới nay, năm 2015, TRA đặt kế hoạch 1.860 tỷ doanh thu (+12,7% so với năm ngoái) và 190 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+30,3% so với năm ngoái). Với mức hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của 6 tháng đầu năm 2015 lần lượt là 50% và 42%, các chỉ tiêu kinh doanh được TRA đề ra có vẻ không phải là thách thức.

TRA đang giao dịch ở mức 11 lần PE 2015, xấp xỉ bình quân ngành. Duy trì khuyến nghị nắm giữ.

5. DCM: PE ở mức 8,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vừa thông báo ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015. Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoạt động ổn định và đạt 103% công suất thiết kế, sản lượng urê 6 tháng đầu năm 2015 đạt 427 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 3.151 tỷ, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giá khí đầu vào, chiếm 62% trong cơ cấu giá vốn của DCM, sụt giảm và các chi phí khác được kiểm soát tốt. Theo đó, biên lợi nhuận trước thuế tăng 4 điểm phần trăm (ppt), lên mức 18% theo đó lợi nhuận trước thuế đạt 584 tỷ, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là sự “ưu ái” của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cho doanh nghiệp mới thành lập. PVN sẽ đảm bảo về giá khí cho DCM trong vòng bốn năm sau khi cổ phần hóa (2015 – 2018) để công ty đạt ROE trung bình là 12%/năm.

Cuối tháng 6 vừa qua, DCM vừa điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 giảm 2% và 4% so với kế hoạch đã đề ra tại ĐHCĐ 2015 đầu năm nay. Với kế hoạch điều chỉnh mới, EPS 2015 ước đạt 1.546 đồng/cp, tương đương PE 2015 ở mức 8,5 lần, thấp hơn trung bình ngành. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá phân bón ure trong nước có khả năng tiếp tục giảm cùng xu thế với giá ure thế giới trong thời gian tới (trước khi có thể hồi phục vào 2017-2018 trở đi) cộng với áp lực thoái vốn từ PVN, chúng tôi rằng cp DCM sẽ bị ảnh hưởng. Điểm cộng là mức cổ tức 2015 bằng tiền mặt là 800 đồng/cp, tương ứng tỷ suất cổ tức 6%.

6. HBC: PE dự phóng 10,5x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hoà Bình (HBC) công bố trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30% cho năm 2014. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 15/7/2015. Cổ tức bằng tiền mặt dự kiến được thanh toán vào 3/8/2015.

Ở mức giá đóng cửa 25.200 đồng/cp, lợi suất cổ tức tiền mặt đạt 6%. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt 15% năm 2014 cao hơn so với mấy năm trước. Về cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30%, công ty sẽ phát hành thêm 17,2 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (cuối quý 1/2015, HBC ghi nhận 301,2 tỷ thặng dư vốn và 162,8 tỷ lợi nhuận giữ lại). Như vậy, số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ tăng lên 74,6 triệu cổ phiếu.

Từ đầu năm tới nay, HBC trúng khá nhiều gói thầu với giá trị trên 3.500 tỷ (tham khảo bảng dưới đây). Đa số các dự án mới dự kiến hoàn thành vào năm 2016 – 2017. Năm 2015, chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu đạt 4.003 tỷ, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 126 tỷ, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Với số lượng cổ phiếu lưu hành tăng thêm, EPS 2015 điều chỉnh ước tính đạt 1.735 đồng/cp. Cổ phiếu HBC giao dịch với P/E dự phóng 10,5x.

7. TMT: PE đang giao dịch ở mức xấp xỉ 6 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

TMT vừa công bố báo cáo sơ toán KQKD 6 tháng đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh 317,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.936,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp mở rộng lên 13,9% trong 6 tháng đầu năm 2015 từ mức 11,7% trong 6 tháng đầu năm 2014. Chi phí tài chính ròng tăng 5 lần lên 24,9 tỷ đồng, không đáng kể so với quy mô doanh thu. Chi phí hoạt động tăng nhưng chậm hơn tăng trưởng doanh thu do đó tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần giảm còn 3,3% trong 6 tháng đầu năm 2015 từ mức 5,5% trong 6 tháng đầu năm 2014. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng 637% lên 181,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 567% lên 142,9 tỷ đồng, qua đó hoàn thành 95% kế hoạch cả năm.

Nhiều khả năng vượt xa kế hoạch lợi nhuận 2015. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 ở mức 3.804 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,9 lần và 2,4 lần so với 2014. Trong đó đặt mục tiêu tiêu thụ 7.892 chiếc xe, tăng 2,7 lần. Chúng tôi cho rằng, với việc TMT hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm sau khi kết thúc quý II/2015, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ vượt rất xa kế hoạch này và do đó doanh nghiệp nên điều chỉnh kế hoạch năm 2015.

Tiêu thụ ô tô cả nước tăng trưởng mạnh.TMT chưa công bố số liệu về sản lượng tiêu thụ tuy nhiên tiêu thụ ô tô cả nước trong 6 tháng có vẻ khả quan. Theo đại diện của Ủy ban An Toàn giao thông Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2015, cả nước có 89.428 xe ôtô được đăng ký mới, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Định giá.TMT đang giao dịch tại P/E xấp xỉ 6 lần.

8. NT2: Sẽ vượt kế hoạch kinh doanh cả năm

CTCK MB (MBS)

Với công suất của nhà máy là 750 MW, sản lượng điện trung bình khoảng 4,2 tỷ kWh/năm, tương đương doanh thu bán điện khoảng 6.000 tỷ đồng/năm, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 là một trong số rất ít các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam đạt được mốc sản lượng điện 15 tỷ KWh phát lên lưới điện quốc gia chỉ sau 3 năm vận hành thương mại.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 được các chuyên gia ngành điện đánh giá là một trong những nhà máy nhiệt điện tốt nhất Việt Nam. Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 đã duy trì cung cấp khoảng 4-5% lượng điện cho hệ thống lưới điện quốc gia. Sản lượng điện sản xuất năm 2014 đạt 4.76 tỷ Kwh, tăng 19% so với kế hoạch đặt ra.

Lợi thế kinh doanh của NT2 so với các công ty sản xuất điện khác là Công ty đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trong thời hạn 10 năm. Giá bán điện được ký được tính theo công thức cho phép Công ty chuyển những biến động của nguyên liệu đầu vào, chi phí lãi vay và khấu hao vào giá bán qua đó ổn định biên lợi nhuận.

Công ty đặt kế hoạch sản lượng điện năm 2015 là 4.29 tỷ Kwh. Theo đó, doanh thu đạt mức 5970 tỷ VNĐ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 461 tỷ VNĐ. Chúng tôi đánh giá nhiều khả năng Công ty sẽ vượt kế hoạch đề ra.

Ngành bảo hiểm: Tăng trưởng mạnh trong các năm tới

CTCK BIDV (BSC)

Thực trạng ngành Bảo hiểm Phi nhân thọ đang phục hồi.

Bên cạnh đó, cạnh tranh cao dẫn đến giảm giá phí và tăng hoa hồng; tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm con người cao trong khi tăng trưởng doanh thu các mảng khác suy giảm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ đang bị định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng.

Triển vọng của ngành: Chúng tôi đánh giá KHẢ QUAN triển vọng tăng trưởng của ngành Bảo hiểm do:

- Ngành Bảo hiểm phục hồi cùng kinh tế Vĩ mô;

- Mức độ thâm nhập Bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 0,7%.

- Các hiệp định thương mại tư do được ký kết sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút nguồn FDI vào Việt Nam và qua đó làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, tàu thủy, ôtô,…

- Quy định Luật pháp về bảo hiểm chặt chẽ hơn.

- Cải thiện hiệu suất đầu tư từ sự phục hồi của TTCK.

- Giai đoạn tăng giá của cổ phiếu bảo hiểm có thể đến trong thời gian tới.

Quan điểm đầu tư: Chúng tôi cho rằng KQKD của các doanh nghiệp Bảo hiểm Phi nhân thọ sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trong các năm tới do sự phục hồi kinh tế và mức độ thâm nhập bảo hiểm tăng dần.

Chúng tôi ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp: (1) Có thị phần lớn trong một hoặc nhiều mảng bảo hiểm; (2) Hiệu quả hoạt động kinh doanh chính khả quan; (3) Danh mục đầu tư sinh lời tốt; (4) Mạng lưới bán hàng phủ rộng.

Chúng tôi khuyến nghị 2 cổ phiếu: BIC và BMI.

Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc cạn kiệt niềm tin
Nhiều cổ phiếu bị đóng băng để tránh mất giá khiến nhà đầu tư nhỏ tìm cách bán mọi thứ có thể để thu về tiền mặt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư