Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
ADB công bố hỗ trợ ban đầu 6,5 tỷ USD để ứng phó với đại dịch COVID-19
Hà Nguyễn - 19/03/2020 14:24
 
Trước mắt, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ hỗ trợ 6,5 tỷ USD để các quốc gia thành viên đang phát triển ứng phó với đại dịch COVID-19.
.
ADB sẽ hỗ trợ 6,5 tỷ USD để các quốc gia thành viên đang phát triển ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố gói hỗ trợ ban đầu trị giá 6,5 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trước mắt của các quốc gia thành viên đang phát triển khi ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đây chỉ là khoản hỗ trợ ban đầu, bởi Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, cũng đã nhấn mạnh rằng: “ADB sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách trong tương lai khi điều kiện cho phép, bên cạnh gói cứu trợ 6,5 tỷ USD”.

Theo ông Masatsugu Asakawa thì đại dịch này đã trở thành một “cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng” và nó đòi hỏi hành động mạnh mẽ ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. 

“Đối với các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB, chúng tôi đang đề ra những hành động quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh; để bảo vệ người nghèo, người dễ tổn thương, và người dân nói chung trong toàn khu vực; và để bảo đảm rằng các nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng hết mức có thể”, ông Asakawa nói.

Gói hỗ trợ ban đầu này bao gồm xấp xỉ 3,6 tỷ USD trong các hoạt động thuộc kênh chính phủ cho một loạt các biện pháp ứng phó trước những hậu quả về kinh tế và y tế của đại dịch, và 1,6 tỷ USD trong các hoạt động không thuộc kênh chính phủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thương mại trong nước và khu vực; cũng như các công ty bị tác động trực tiếp. 

Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD nguồn vốn ưu đãi thông qua tái phân bổ từ các dự án đang triển khai và đánh giá khả năng cần thiết sử dụng các nguồn dự phòng. ADB cũng sẽ cung cấp 40 triệu USD viện trợ hỗ trợ kỹ thuật và giải ngân nhanh.

Để cung cấp gói hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển một cách nhanh chóng và linh hoạt hết mức có thể, ADB sẽ xem xét điều chỉnh các công cụ tài trợ và quy trình kinh doanh của mình. 

Tùy thuộc vào sự phê chuẩn của Ban giám đốc Điều hành của ADB, những điều chỉnh này sẽ bao gồm khả năng tiếp cận hỗ trợ ngân sách khẩn cấp nhanh hơn cho các nền kinh tế đang đối mặt với hạn chế về tài khóa nghiêm trọng, tinh giản thủ tục cho các khoản vay chính sách, và mua sắm phổ cập với các quy trình linh hoạt và nhanh chóng hơn.

Được biết, kể từ phản ứng đầu tiên trước COVID-19 vào ngày 7/2/2020, ADB đã cung cấp hơn 225 triệu USD để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cả chính phủ và doanh nghiệp ở các quốc gia thành viên đang phát triển.

[Infographic] ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2020
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 và 2020 lên 6,9% và 6,8%, bất chấp tăng trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư