Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ADB dự báo kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 6% trong năm nay
Lan Chi - 12/04/2018 14:36
 
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm qua (11/4), hầu hết các nước châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan trong năm nay, nhờ đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu, trong khi nhu cầu trong nước tăng.
Xuất khẩu - động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực
Đẩy mạnh xuất khẩu - một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á năm 2018 (Asian Development Outlook 2018) của ADB vừa công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước châu Á - Thái Bình Dương đạt mức 6% trong năm 2018 và 5,9% năm 2019, giảm nhẹ so với mức tăng 6,1% đạt được trong năm 2017. Nếu ngoại trừ các nước công nghiệp hóa mới có mức thu nhập cao, thì tăng trưởng của khu vực này dự báo đạt 6,5% trong năm 2018 và 6,4% năm 2019, so với mức tăng trưởng 6,6% năm ngoái.

“Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng hiện nay nhờ các chính sách lành mạnh, xuất khẩu được mở rộng và nhu cầu trong nước tăng”, ông Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết.

Sự phục hồi ở các nước công nghiệp đang tiếp tục, với Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản dự kiến đạt mức tăng trưởng chung 2,3% trong năm 2018, trước khi giảm còn 2% năm 2019. Việc cắt giảm thuế gần đây tại Mỹ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế tại nước này. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tăng lên cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hỗ trợ tăng trưởng ở khu vực đồng euro và Nhật Bản.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng chậm lại, với mức tăng 6,6% trong năm nay và 6,4% trong năm 2019, sau khi tăng 6,9% năm 2017. Nhu cầu trong nước và nước ngoài cao cùng với những cải cách kinh tế đã đặt nền tảng cho kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Khu vực Nam Á vẫn tiếp tục là một trong những khu vực tăng trưởng cao nhất trong khu vực, với động lực là sự phục hồi của Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất khu vực. Kinh tế Ấn Độ dự báo tăng trưởng tới 7,3% trong năm tài chính 2018 và 7,6% trong năm tài chính 2019.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á tiếp tục hưởng lợi từ sự phát triển của thương mại toàn cầu và việc giá hàng hóa tăng lên. Kinh tế các nước này dự báo tăng trưởng 5,2% trong cả năm nay và năm 2019. Nhu cầu đầu tư và tín dụng tăng cao sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Indonesia, Philippines và Thái Lan, trong khi việc phát triển mạnh các cơ sở công nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế tại các nước Trung Á dự kiến đạt mức 4% trong năm 2018 và 4,2% năm 2019, nhờ giá hàng hóa tăng. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực Thái Bình Dương dự báo đạt 2,2% và 3% trong 2 năm tới.

Giá hàng hóa tăng tại châu Á sẽ đẩy lạm phát trong khu vực này tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở khu vực này được dự báo tăng 2,9% trong năm 2018 và 2019, tăng mạnh so với mức 2,3% năm 2017. Tuy nhiên, lạm phát của khu vực này vẫn thấp xa so với mức trung bình của 10 năm qua là 3,7%.

Rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng khu vực châu Á chủ yếu đến từ sự leo thang căng thẳng thương mại. Việc Mỹ quyết định đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu mới đây không tác động nhiều đến thương mại, song những hành động tiếp theo của Mỹ và hành động trả đũa của các nước khác chống lại Mỹ có thể làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 Bên cạnh đó, nợ của khu vực tư nhân tăng lên đang là mối lo ngại tại một số nước châu Á. Nghiên cứu của ADB cho thấy, nợ chỉ có tác động tích cực đến nền kinh tế trong ngắn hạn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư