Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Ai chịu áp lực lấy phiếu tín nhiệm?
Mạnh Bôn - 09/06/2013 08:21
 
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến cho rằng, không phải những người được lấy phiếu tín nhiệm mà chính các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) mới là người chịu áp lực nhiều hơn.
TIN LIÊN QUAN
files/2013/06/09/ai-chiu-ap-luc-lay-phieu-tin-nhiem-1.jpg
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lê Như Tiến

Theo cách hiểu của nhiều người thì những người được lấy phiếu tín nhiệm mới chịu áp lực. Sao ông lại nghĩ, ĐBQH phải chịu áp lực nhiều hơn?

Đây là lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Là lần đầu tiên lại vô cùng quan trọng vì liên quan đến cán bộ chủ chốt và cao cấp của Nhà nước, nên việc lấy phiếu tín nhiệm chính là thước đo trách nhiệm cá nhân không chỉ đối với chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, mà còn là thước đo tinh thần trách nhiệm của chính ĐBQH, trong đó, ĐBQH chịu áp lực nhiều hơn.

Bởi ĐBQH được cử tri ủy quyền, tín nhiệm giao trọng trách thay mặt cử tri quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề tối quan trọng là quyết định về nhân sự cao cấp, chủ chốt.

Vì thế, áp lực của họ trong việc lựa chọn mức độ tín nhiệm đối với từng chức danh trong việc lấy phiếu vô cùng hệ trọng.

Muốn quyết định được chính xác, khách quan, công tâm, trước hết, ĐBQH phải có đầy đủ thông tin về từng chức danh được lấy tín nhiệm, nếu thông tin không đầy đủ, không kịp thời và thiếu khách quan thì rõ ràng chất lượng của lá phiếu không còn nhiều ý nghĩa.

Thông tin cơ bản về từng người lấy phiếu tín nhiệm đợt này đã được gửi tới từng ĐBQH rồi. Ông đánh giá thế nào về những thông tin này?

Tôi đã nghiên cứu báo cáo công tác của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đợt này. Tôi cho rằng, đa số báo cáo nêu rõ được những ưu điểm, hạn chế, bất cập đặc biệt là nêu rõ được nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế, nhược điểm; phát huy thế mạnh, ưu điểm.

Nhưng cũng có một số báo cáo khá tròn trĩnh, nặng về kể lể thành tích và nêu những công việc của ngành mình, của bộ mình, của lĩnh vực mình được phân công phụ trách nhiều hơn là đánh giá, tự đánh giá những công việc của mình theo chức năng, nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.

Đây chính là một trong những khó khăn, thử thách, áp lực ban đầu mà từng ĐBQH phải vượt qua.

Vượt qua khó khăn, áp lực ban đầu này bằng cách nào, thưa ông?

Đã là ĐBQH thì không chỉ tiếp nhận, nghiên cứu thông tin qua các báo cáo “chính thống”, cụ thể ở đây là báo cáo của những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Quan trọng hơn, để có đánh giá về từng chức danh một cách khách quan, công tâm, ĐBQH phải bằng rất nhiều kênh để “khai thác” thông tin về từng chức danh mà mình chịu trách nhiệm đánh giá mức độ tín nhiệm qua lá phiếu.

Cụ thể, thông tin có thể được lấy qua quá trình hoạt động thực tiễn của chính các vị đó; qua ý kiến, kiến nghị của cử tri; qua phản ánh của cử tri nơi nơi các vị đó cư trú, cử tri nơi các vị đó công tác; qua kênh thông tin phản biện của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp. Ngoài ra không nên bỏ qua ý kiến của các chuyên gia đánh giá về những mặt được, chưa được trong công tác điều hành của các vị đó.

Tôi cho rằng, mỗi ĐBQH bằng sự nhạy cảm chính trị có khả năng hội tụ được nhiều nguồn thông tin đa chiều, phong phú để có đánh giá mức độ tín nhiệm một các chính xác về từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đợt này và cả những đợt khác.

Giả sử ĐBQH có đầy đủ thông tin đi chăng nữa, nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm cũng khó mà thực sự khách quan, bởi vấn đề này hết sức nhạy cảm?

Người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng thường có tâm lý “dĩ hòa vi quý”, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, trọng tình cảm, nể nang lẫn nhau… nên nhiều người suy diễn rằng, với tâm lý này, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ… hòa cả làng.

Nhưng tôi tin rằng, đại đa số ĐBQH bằng sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm trước sự tín nhiệm của cử tri và cao hơn cả là trách nhiệm với đất nước, họ sẽ bỏ lá phiếu thực sự khách quan để đánh giá đúng từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

Tôi kỳ vọng, đúng hơn là mong muốn, từng ĐBQH với khả năng độc lập, bản lĩnh chính trị và có sự phân tích, quyết đoán trong việc lựa chọn mức độ tín nhiệm đối với từng chức danh thì lá phiếu mà họ bỏ sẽ chính xác, khách quan, công tâm và minh bạch.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt chất lượng cao hơn, theo ông, cần phải làm gì?

Tiếc rằng, nội dung Chương trình Kỳ họp Quốc hội dành ít thời gian để ĐBQH thảo luận ở tổ và thảo luận ở Hội trường về vấn đề này. Nếu như có điều kiện để ĐBQH đối thoại trực tiếp với các vị được lấy phiếu tín nhiệm đặc biệt là các vị mà có những vấn đề nóng đang được dư luận xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng và cử tri đặc biệt quan tâm thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Đây là lần đầu tiên thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, nên có thể là vừa làm vừa rút kinh nghiệm để lần làm sau tốt hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư