Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
AirAsia và 3 lần thâm nhập Việt Nam bất thành
Ngọc Hà - 30/12/2014 08:46
 
Nhìn thấy cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, hàng không giá rẻ AirAsia đã 3 lần thâm nhập thị trường, song đều bất bại do những quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu vốn cũng như thương hiệu của nước sở tại.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Những điểm khác nhau giữa sự biến mất QZ8501 và MH370
Máy bay QZ8501 của AirAsia có thể 'nằm dưới đáy biển'
Phó tổng thống Indonesia: 'Máy bay AirAsia có thể đã rơi'
Máy bay AirAsia mất tích chưa vào vùng kiểm soát bay của Việt Nam

Nỗ lực bất thành

Cách đây gần chục năm, AirAsia đã “để mắt” tới thị trường hàng không Việt Nam. Sau Malaysia, Thái Lan và Indonesia, Việt Nam là thị trường thứ tư trong khu vực ASEAN mà hãng này muốn đẩy mạnh phát triển hàng không giá rẻ.

Cơ hội đến với hãng vào năm 2005, thời điểm Chính phủ tái cơ cấu hãng hàng không Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific), năm 2005. AirAsia khi ấy là một trong 3 ứng viên (cùng với tập đoàn đầu tư Temasek của Singapore và tập đoàn hàng không Qantas - Úc) tham gia góp vốn vào Pacific Airlines.

Tuy nhiên, AirAsia không thành công vì không đáp ứng được điều kiện liên doanh góp vốn. Hãng này muốn góp vốn bằng giá trị máy bay trong khi Pacific Airlines cần tiền mặt để vực dậy hoạt động kinh doanh.

Hơn nữa, theo ông Lương Hoài Nam - khi đó là Tổng giám đốc Pacific Airlines, Bộ Tài chính đã không chọn AirAsia vì họ trả giá thấp hơn so với Qantas với mô hình hàng không giá rẻ Jetstar. 

AirAsia 3 lần muốn đầu tư lập hàng không giá rẻ tại Việt Nam đều thất bại.
AirAsia 3 lần muốn đầu tư lập hàng không giá rẻ tại Việt Nam đều thất bại.

Sau thất bại đó, tháng 8/2007, lần thứ hai AirAsia tỏ ý đầu tư vào thị trường hàng không Việt Nam khi đạt được thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập hãng hàng không giá rẻ Vina AirAsia. Hãng góp khoảng 30 triệu USD (khoảng 480 tỷ đồng lúc bấy giờ), tương đương 30% vốn, trong đó có 1/3 là tiền mặt.

Trách nhiệm của Vinashin trong việc thành lập liên doanh này có được sự phê chuẩn của Chính phủ, giấy phép từ cơ quan quản lý hàng không và triển khai các thủ tục cần thiết khác để thành lập một hãng hàng không mới. Còn phía AirAsia tiến hành mua tàu bay, dự kiến 9 chiếc, cũng như chuẩn bị các điều kiện khác để vận hành một hãng hàng không giá rẻ.

Song, dự án đầu tư này cũng bất thành. Văn bản xin phép của Vinashin đã bị từ chối với lý do, thời điểm đó, Chính phủ chưa có chủ trương cho thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài.

Lần thứ ba, AirAsia quyết tâm đầu tư làm hàng không giá rẻ tại Việt Nam khi liên doanh với VietJet Air - khi hãng hàng không tư nhân đầu tiên này quyết tâm bay trở lại trước khi bị rút giấy phép vào cuối năm đó.

Tháng 2/2010, AirAsia thông báo đã mua 30% cổ phần của VietJet Air. Người chuyển nhượng cổ phần cho AirAsia là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cổ đông phổ thông nắm giữ 30% cổ phần của VietJet Air.

Tháng 4/2010, AirAsia tiến thêm một bước với kế hoạch thành lập liên doanh VietJet AirAsia khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với VietJet Air để giúp hãng hàng không tư nhân này sớm khai thác các hoạt động bay tại thị trường Việt Nam.

Dự kiến, VietJet AirAsia sẽ cất cánh vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2010, với 4 máy bay Airbus A320 trong giai đoạn đầu cho các chuyến bay nội địa và quốc tế.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, việc đầu tư này gặp trục trặc khi điều kiện tiên quyết: VietJet Air phải được phép sử dụng thương hiệu AirAsia cho các hoạt động thương mại, đã không được cơ quan quản lý chấp thuận.

Sau gần 2 năm chờ đợi và đeo đuổi liên doanh với VietJet Air, AirAsia đành phải thoái vốn và từ bỏ tham vọng của mình.

Ông Tony Fernandes, vị chủ tịch tài ba của AirAsia
Ông Tony Fernandes, vị chủ tịch tài ba của AirAsia

“Hãng hàng không giá rẻ mẫu mực”

Đó là những từ mà chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam dành cho hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới AirAsia, vốn thành công vượt bậc từ hai chiếc máy bay cũ và khoản nợ 11 triệu USD.

“Chúng tôi đã bắt đầu vào năm 2011 với hai chiếc máy bay cũ, và mua lại AirAsia đang thua lỗ từ công ty DRB-Hicom của Malaysia với khoản tiền đặt cọc 1 RM (0,25 xu USD) và chịu khoản nợ 11 triệu đô la Mỹ (40 triệu MYR)” - lời giới thiệu tự hào trên trang web của hãng.

Từ một lộ trình duy nhất giữa Kuala Lumpur và Langkawi, hai 2 chiếc Boeing 737 và một nhân viên với 250 hành khách trong năm 2002, đến nay, AirAsia đã có 170 máy bay, gần 100 điểm đến thuộc 22 quốc gia và hơn 220 triệu hành khách.

Sự thành công AirAsia ghi dấu ấn đặc biệt của chủ tịch Tony Fernandes, với những “chiêu độc”, những bí quyết kinh doanh đã được in thành sách, làm thành phim để các hãng hàng không và những ai đang theo đuổi nghiệp kinh doanh, học tập.

Người đàn ông đã từng phải thế chấp ngôi nhà của mình để có được kinh phí cho AirAsia hoạt động giờ đã trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á, giữ vị thứ 28 khi sở hữu tài sản 650 triệu USD tính đến tháng 2/2014.

Từ giám đốc âm nhạc đến bầu sô bóng đá, Tony Fernandes lần sân sang lĩnh vực hàng không khi trong tay không hề có kinh nghiệm gì. Nhưng với niềm đam mê và tố chất kinh doanh, với phong cách quản lý sâu sát, phương châm "tiết kiệm tối đa mọi chi phí", coi trọng nhân viên và đặt sự sáng tạo lên hàng đầu... ông đã đưa AirAsia đến thành công như ngày nay.

“Cơn ác mộng tồi tệ nhất” xảy ra sáng sớm 28/12, khi chiếc Airbus 320 của AirAsia mang số hiệu QZ8501 chở hơn 150 hành khách từ Indonesia tới Singapore bị mất liên lạc, một lần nữa thử thách bản lĩnh của chủ tịch Tony Fernandes và toàn bộ nhân viên hãng AirAsia. Hy vọng, hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới sớm vượt qua được cú sốc này và giữ vững phong độ của mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư