Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Angimex họp với trái chủ vào tháng 2/2023 để xử lý mất khả năng thanh toán lãi
Duy Bắc - 10/01/2023 10:20
 
Sau khi mất khả năng thanh toán lãi 603,6 tỷ đồng, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM – sàn HoSE) thông qua kế hoạch họp với trái chủ để xử lý trái phiếu.

Cụ thể, ngày 18/1, Angimex sẽ chốt danh sách trái chủ sở hữu trái phiếu mã AGMH2123001 để tham dự Hội nghị Chủ sở hữu trái phiếu. Hội nghị dự kiến diễn ra ngày 3/2/203 tại An Giang.

Ngoài ra, ngày 17/1, Angimex cũng chốt danh sách trái chủ sở hữu trái phiếu mã AGMH2223001 tham dự Hội nghị dự kiến diễn ra ngày 2/2/203 tại An Giang.

Trong đó, Angimex dự kiến xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý trái phiếu đối với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001.

Được biết, Angimex đang mất khả năng thanh toán lãi hai lô trái phiếu, mã AGMH2123001, mệnh giá 350 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn ngày 9/11/2023; mã AGMH2223001, mệnh giá 300 tỷ đồng, đã mua lại một phần, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 14/9/2023 và lãi suất 7%/năm.

Trước đó, Angimex vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Trong đó, Công ty cho biết đối với trái phiếu mã AGMH2123001, Công ty dự kiến sẽ xử lý một số tài sản bảo đảm của trái phiếu để lấy tiền trả lãi và gốc với tổng số tiền là 378,9 tỷ đồng.

Đối với trái phiếu mã AGMH2223001, Angimex dự kiến dùng nguồn vốn của Angimex; xử lý tài sản bảo đảm của lô trái phiếu; vay trung – dài hạn; thanh lý tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động để trả tổng cộng gốc và lãi vay là 224,7 tỷ đồng.

Như vậy, ước tính Công ty sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền trả gốc và lãi của hai lô trái phiếu là 603,6 tỷ đồng.

Dùng 225 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn

Angimex cho biết tính tới ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngắn hạn là 370 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 595 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn là 225 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa Công ty sử dụng 225 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).

Angimex cho rằng, việc mất cân đối dòng tiền do Công ty nhận chuyển nhượng mua đất, kho ở Đồng Tháp và Tri Tôn là 196,6 tỷ đồng; mua 19% vốn tại Công ty TNHH Angimex Furious là 32,3 tỷ đồng.

Công ty dự kiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong năm 2022 để bù đắp thiếu hụt 225 tỷ đồng nêu trên. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan, Công ty chưa phát hành cổ phiếu như kế hoạch dự kiến dẫn tới mất cân đối 225 tỷ đồng.

Công ty dự kiến sẽ thanh lý các tài sản để bổ sung vốn lưu động như nhà máy chế biến lúa gạo Đa Phước (11.597 m2), phân xưởng Thoại Sơn (7.233 m2), phân xưởng Chợ Mới (3.471,3 m2), phân xưởng Cống Vong (3,305,1 m2), phân xưởng Châu Đốc (3.239,6 m2), phân xưởng Hòa Lạc (3.205,3 m2), kho Chợ Vàm (2.295,7 m2), phân xưởng Châu Phú (2.133,4 m2), và Nhà máy chế biến lương thực Đồng Tháp (4.062,2 m2).

Như vậy, tổng diện tích 9 phân xưởng, nhà máy, kho nói trên có diện tích 40.542,6 m2, giá sổ sách là 127,2 tỷ đồng và giá bán dự kiến 240 tỷ đồng. Nếu thực hiện bán thành công, Công ty sẽ bổ sung thêm được 240 tỷ đồng vào vốn lưu động.

Dừng kế hoạt huy động vốn từ cổ đông

Angimex thông qua việc dừng thực hiện đối với các phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020, năm 2021, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và đặc biệt, Công ty dừng phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm 2022, Angimex thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 32% bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 68%. Như vậy, tổng tổng tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm là 130%.

Đối với kế hoạch chào bán cổ phiếu, Angimex dự kiến chào bán với tỷ lệ 1:1, tối đa 41,86 triệu cổ phiếu với giá 16.500 đồng/cổ phiếu để huy động 690,69 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty dự kiến dùng 470 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Angimex; 100 tỷ đồng góp vốn Công ty TNHH Angimex Furious; 60,69 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; 30 tỷ đồng góp vốn hợp tác đầu tư viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long; và 30 tỷ đồng góp vốn thành lập Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nông nghiệp Công nghệ cao Angimex.

Lỗ 75 tỷ đồng trong năm 2022

Trong năm 2022, Angimex ước tính doanh thu 3.606,8 tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế ghi nhận lỗ 75 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 57,59 tỷ đồng, tức giảm 132,59 tỷ đồng.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, Angimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế là lỗ 34,58 tỷ đồng. Như vậy, quý IV/2022, ước tính Angimex sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 40,42 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 34,5 tỷ đồng, tức giảm 74,92 tỷ đồng so với quý IV/2021.

Bước sang năm 2023, Angimex dự kiến doanh thu là 4.011 tỷ đồng, tăng 11,2% so với ước tính thực hiện trong năm 2022, và lợi nhuận trước thuế dự kiến lãi 10 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/1, cổ phiếu AGM giảm sàn 670 đồng, về 8.940 đồng/cổ phiếu.

“Sức khỏe” Angimex trước thông tin mất khả năng trả lãi trái phiếu
Trước khi công bố không đủ khả năng thanh toán khoản lãi đến hạn của lô trái phiếu, báo cáo tài chính của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư