Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Áp lực lên lãi suất tiền đồng còn tăng trong ngắn hạn
Vân Linh - 07/01/2023 08:29
 
Lãi suất tiết kiệm có phần hạ nhiệt sau khi các nhà băng cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay, song với áp lực lạm phát thời gian tới cũng như lộ trình tăng lãi suất USD của Mỹ chưa kết thúc, nên áp lực lên lãi suất tiền đồng vẫn còn trong nửa đầu năm nay.
Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng nên Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung này. Trong ảnh: Giao dịch tín dụng tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank). Ảnh: Lê Toàn

Còn áp lực trong ngắn hạn

So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng đã tăng 3 - 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Để ổn định mặt bằng huy động, theo VNBA, các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, song chỉ vài ngân hàng đưa mức lãi suất tiền gửi về 9,5%, vì áp lực thanh khoản cuối năm.

Trên thực tế, tại một số ngân hàng, dù niêm yết mức lãi suất cao nhất dưới 9,5%, song nếu tham gia các chương trình khuyến mãi, hoặc có thể đáp ứng được một số điều kiện về lượng tiền gửi tối thiểu, mở thêm tài khoản thanh toán online, khách hàng thuộc diện ưu tiên…, thì người gửi tiền còn nhận được cộng lãi suất. Do đó, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện ghi nhận vẫn là 12-13%/năm.

Áp lực lạm phát và lộ trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa kết thúc, nên lãi suất tiền đồng trong nước khó giảm trong ngắn hạn. NHNN cũng nhận định, xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng và Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đó là định hướng điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt trong năm 2023 của NHNN.

Nhìn lại hoạt động điều hành trong năm 2022, NHNN khẳng định, trong suốt 8 tháng của năm đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh. Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng. USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. NHNN đã điều chỉnh tăng 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm, tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND ở lĩnh vực ưu tiên.

Lãi suất sẽ giảm dần?

Trao đổi về kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: “Việc giảm lãi suất trong năm 2023 cần nỗ lực rất lớn, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu với lãnh đạo NHNN duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, tiết giảm chi phí để có điều kiện, năng lực tài chính giảm cho các đối tượng khách hàng mục tiêu, phù hợp với khẩu vị kinh doanh của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành ngân hàng”.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi vay; tập trung tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng lĩnh vực rủi ro.

Tổng giám đốc Công ty Dữ liệu WiGroup, ông Trần Ngọc Báu, cũng cho hay, hiện tại, dòng tiền đang chịu áp lực lớn. Tổng cung tiền trong nền kinh tế đi ngang và giảm nhẹ cả năm qua. Đây là hiện tượng chưa bao giờ xuất hiện trong 20 năm qua. Trong khi đó, tăng trưởng cung tiền cần ở mức 12 - 13% để nền kinh tế tăng trưởng. Đồng thời, thanh khoản hệ thống ngân hàng có gặp khó khăn tạm thời do chênh lệch giữa tín dụng và huy động, do lãi suất tăng và siết quá mạnh kênh trái phiếu doanh nghiệp gây đổ vỡ niềm tin trên thị trường...

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng tăng 12,87% so với cuối năm 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng trưởng 6%. Theo ông Báu, các tổ chức quốc tế đã nhận định về bức tranh kém lạc quan của kinh tế năm 2023. Các dấu hiệu đã bắt đầu với số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, ông Báu cho rằng, năm 2023, tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II, lạm phát sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm rồi sau đó giảm dần. Đây cũng là điều kiện để mặt bằng lãi suất đi xuống.

Phó thống đốc Thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, bước vào năm 2023 có rất nhiều khó khăn tác động, song theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, NHNN xác định định hướng điều hành trên tinh thần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đảm bảo những mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.

Năm 2023, NHNN sẽ triển khai quyết liệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra và nâng cao hiệu quả giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Lãi suất - thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2023
Lạm phát, tỷ giá năm 2023 dự báo không quá đáng ngại, song lãi suất sẽ là câu chuyện nóng nhất của thị trường lẫn cơ quan quản lý.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư