Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Áp thuế 10% cho báo chí ngay từ 1/7/2013
Mạnh Bôn - 29/05/2013 11:55
 
Bày tỏ quan điểm của mình trong Phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, ĐBQH, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hà Minh Huệ mong muốn Quốc hội ưu đãi thuế TNDN đối với cả phát thanh, truyền hình và báo điện tử như báo in.
TIN LIÊN QUAN
files/2013/05/29/ap-thue-10-cho-bao-chi-ngay-tu-172013-1.jpg
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Minh Huệ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn bên hành lang Quốc hội, ông Hà Minh Huệ rất hy vọng các ĐBQH đồng tình với quan điểm của mình.

“Tôi đã trao đổi trực tiếp vấn đề này với Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ĐBQH khác. Về cơ bản, chị Kim Ngân rất chia sẻ với những khó khăn của báo chí trong việc vừa phải cân đối thu chi, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hy vọng đề xuất áp thuế TNDN 10% cho tất cả cơ quan báo chí và thực hiện ngay từ 1/7/2013 của tôi và cộng đồng báo chí sẽ được Quốc hội đồng ý”, ông Huệ chia sẻ.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi tại Hội trường vào sáng nay, ông Huệ khẳng định, về cơ bản, ông nhất trí với Dự thảo, trong đó có việc áp thuế suất 10% đối với thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in.

“Giới báo chí rất quan tâm và hoan nghênh ngay từ khi có đề xuất đưa báo chí vào diện ưu đãi giảm thuế TNDN. Đây là thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với hoạt động báo chí trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay”, ông Huệ phát biểu.

Nhưng trong Tờ trình Luật thuế TNDN sửa đổi, Chính phủ lại không quy định ưu đãi đối với các loại hình báo chí khác như báo hình, báo nói, báo điện tử với lý do giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách (nếu áp thuế 10%, năm 2014, ngân sách giảm thu khoảng 430 tỷ đồng từ 4 đài truyền hình đang có thu nhập chịu thuế).

Không nhắc lại chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí cũng như đóng góp của báo chí với xã hội trên diễn đàn Quốc hội, nhưng Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: “Tờ trình Luật thuế TNDN sửa đổi của Chính phủ rất đúng khi nói báo chí là sản phẩm văn hóa, cơ quan báo chí hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao”.

Nhiệm vụ thì vô cùng nặng nề, còn việc cân đối tài chính hàng năm của hầu hết các cơ quan báo chí, ông Huệ khẳng định trước Quốc hội: “Hoạt động phát hành của hầu hết các cơ quan báo chí đều bị lỗ, để cân đối, các cơ quan báo chí phải lấy từ nguồn thu từ hoạt động quảng cáo để bù đắp”.

“Nhưng hoạt động quảng cáo trên báo chí không giống với hoạt động quảng cáo khác khác do doanh nghiệp thực hiện vì bị khống chế diện tích trang báo, khuôn khổ, thời lượng phát thanh, phát hình. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc thu hút quảng cáo của các cơ quan báo chí lại càng khó khăn hơn”, ông Huệ nhấn mạnh.

Nhắc lại số liệu được công bố hồi tại Hội nghị Báo chí toàn quốc hồi tháng 3/2013, ông Huệ cho biết, năm 2012, quảng cáo trên báo in giảm 8% so với năm 2011. Trong số 67 đài truyền hình thì chỉ có VTV, Đài truyền hình TP.HCM, Hà Nội và Vĩnh Long là có thu nhập chịu thuế. Tình hình tài chính của 60 đài truyền hình đang hết sức khó khăn. Doanh thu quảng cáo của các đài phát thanh, báo điện tử và các trang báo điện tử của báo in cũng không có chuyển biến - đi ngược với xu thế tăng mạnh doanh thu quảng cáo của báo điện tử, trang báo điện tử của báo in trên thế giới.

“Ưu đãi thuế TNDN cho báo in là một bước tiến rất đáng ghi nhận, nhưng với bối cảnh khó khăn hiện nay, các cơ quan báo chí khác như như phát thanh, truyền hình, báo điện tử và trang mạng điện tử của báo in khẩn thiết đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu đãi thuế TNDN ”, ông Huệ nói lên tiếng nói của giới báo chí trên diễn đàn Quốc hội.

Theo ông Huệ, việc áp thuế 10% cho tất cả mọi loại hình báo chí và thực hiện ngay từ 1/7/2013 sẽ tạo điều kiện cho báo chí phát triển, khắc phục khó khăn, hạn chế cách đưa tin chụp giật, thất thiệt, thậm chí là bịa đặt nhằm bán báo, lôi kéo người đọc để báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

“Các cơ quan báo chí đóng góp cho ngân sách chưa nhiều nên giảm thuế cho báo chí cũng không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách. Nhưng đây lại là động lực, là nguồn động viên để các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình với xã hội”, ông Huệ nói.

Ông Huệ cho biết, khi thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi, chiều ngày 21/5, ông cùng với ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hữu Thuận (Nhà báo Thuận Hữu, Tổng biên tập Báo Nhân dân), ĐBQH tỉnh Bình Thuận Vũ Hải (Phó tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam) cũng cùng phát biểu đề đạt nguyện vọng áp thuế 10% không chỉ với báo in mà với báo nói, báo hình, báo điện tử, trang mạng điện tử của báo in và áp dụng ngay từ 1/7/2013 thay vì từ ngày 1/1/2014.

“Nhưng rất tiếc và cũng không hiểu vì sao, quan điểm, ý kiến của chúng tôi về vấn đề này lại không được Đoàn thư ký Kỳ họp Quốc hội thứ 5 tổng hợp trong Bản tổng hợp ý kiến thảo luận tổ về Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi để gửi cho các ĐBQH tham khảo, nghiên cứu”, ông Huệ phát biểu.

Chính vì vậy, trên diễn đàn Quốc hội, một lần nữa, ông Huệ lên tiếng: “Rất mong ý kiến của giới báo chí phản ánh qua các ĐBQH được Chính phủ, Quốc hội xem lưu tâm”.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 19/6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư